Chăm sóc trẻ sơ sinh là việc làm không hề đơn giản, trong đó vấn đề “có nên cho trẻ sơ sinh uống nước hay không” đang trở thành đề tài tranh luận của nhiều mẹ hiện nay.
Những câu chuyện về cách chăm sóc trẻ sơ sinh luôn thu hút sự quan tâm của các bà mẹ. Cùng với việc tìm hiểu về những bí quyết nuôi con bằng sữa mẹ thì ở một khía cạnh khác cũng đang khiến cho nhiều mẹ băn khoăn chính là việc trẻ sơ sinh uống nước được không?
📌 Có nên cho trẻ sơ sinh uống nước?
Có rất nhiều mẹ vẫn thường có thói quen cho trẻ sơ sinh uống nước để tráng miệng và làm sạch lưỡi. Tuy nhiên, các bác sĩ Nhi khoa cho biết, không nên cho trẻ sơ sinh uống nước dù là nước lọc hay bất kỳ loại nước nào. Ở giai đoạn này, sữa mẹ chính là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ.
Không chỉ riêng với trẻ sơ sinh (trẻ dưới 1 tháng tuổi), ở những trẻ trong giai đoạn nhũ nhi (trẻ từ 1 tháng đến 1 năm tuổi) cũng đã được chia rõ về những mốc thời điểm có thể cho bé uống nước. Cụ thể là:
📌 Trẻ dưới 6 tháng tuổi
Tương tự như trẻ sơ sinh, trẻ dưới 6 tháng tuổi cũng không được phép uống nhiều nước. Bởi trẻ trong giai đoạn này thường sẽ được bú mẹ hoàn toàn và không cần phải uống nước thêm.
Việc cho trẻ uống nước sẽ sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như giảm thèm ăn, giảm bú mẹ, dẫn đến việc sản xuất sữa của mẹ cũng bị giảm. Đồng thời, trẻ cũng có thể sẽ không được cung cấp đủ nhu cầu năng lượng vì giảm bú.
Đặc biệt, cho trẻ uống nhiều nước có khả năng gây ra tình trạng ngộ độc nước uống ở trẻ em.
Nếu trẻ muốn uống nước, mẹ có thể cho trẻ uống nước với lượng tối đa là 60ml nước/ngày và việc này chỉ được áp dụng cho những trẻ trên 4 tháng tuổi. Tuy nhiên, lời khuyên tốt của các bác sĩ là mẹ nhất vẫn nên cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức khi trẻ khát.
📌 Trẻ từ 6 – 12 tháng
Sau khi trẻ được 6 tháng tuổi, trẻ đã bắt đầu ăn dặm được và lúc này mẹ có thể cho trẻ uống thêm nước. Mẹ có thể cho bé uống một lần khoảng 60ml nước sau bữa ăn để không làm ảnh hưởng đến vấn đề ăn, bú của bé.
Tổng lượng nước trẻ uống được trong giai đoạn này ở khoảng 120 – 240ml/ngày, tùy vào nhu cầu của trẻ.
Ngoài ra, một lưu ý nhỏ dành cho mẹ trong giai đoạn này là có thể tập cho trẻ uống nước bằng ly và để bé tự uống theo nhu cầu của mình (dưới 240ml/ngày là được).
📌 Cho trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi uống nước sớm gây ra những vấn đề gì?
+ Ngộ độc nước uống
Ngộ độc nước là một trong những tình trạng có thể xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi. Ngộ độc nước uống ở trẻ được hiểu là tình trạng trẻ bị cho uống quá nhiều nước trong một thời gian ngắn, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi bị ngộ độc nước uống hiện đang được nghiên cứu, tuy nhiên, nguyên nhân được cho là quan trọng nhất chính là sự chưa trưởng thành của thận ở trẻ em trong giai đoạn này dẫn đến việc thiếu hụt natri.
Khi cơ thể trẻ bị hạ natri sẽ gây ra những tổn thương ở các tế bào và có thể gây phù não. Biểu hiện khi trẻ bị thiếu hụt natri máu do ngộ độc nước uống sẽ là: trẻ lừ đừ, quấy khóc, người phù nề, ngủ li bì, hạ thân nhiệt và bị co giật.
+ Uống nhiều nước khiến trẻ còi cọc, chậm tăng cân
Trong sữa mẹ có khoảng 80% là nước, đủ để cung các chất lỏng mà em bé cần. Chính vì thế, trẻ không cần phải uống thêm nước ngay cả khi trời nóng và khô. Nếu cho trẻ trong giai đoạn này uống nước sẽ làm cản trở khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ và sữa bột.
Bên cạnh đó, việc uống thêm nước cũng sẽ khiến bé dễ bị đầy bụng và không thèm sữa như trước, từ đó lượng hấp thu sữa cũng sẽ bị giảm.
+ Dễ mắc bệnh
Cho trẻ sơ sinh uống nước có thể dẫn đến tăng nồng độ bilirubin gây bệnh vàng da ở trẻ. Ngoài ra, nước còn có thể là mầm gây bệnh cho trẻ nếu nguồn nước không an toàn, sạch sẽ. Nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy cao hơn do hệ miễn dịch trẻ còn yếu.
Hiện nay vẫn chưa có một hướng dẫn nào cụ thể để giúp cha mẹ biết nên cho trẻ sơ sinh và trẻ nhũ nhi uống nước bao nhiêu đủ. Vì thế, để bảo bảo an toàn cho con, mẹ tuyệt đối không nên cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước lọc hay các loại nước khác như nước cam, nước dừa… Với các bé đã ăn dặm, mẹ có thể căn cứ trên nhu cầu thực tế của con để bổ sung nước kịp thời cho bé.
Nguồn: BV Phụ Sản Nhi Cần Thơ