ĐẠI CƯƠNG:

Dịch tễ học:

Các vết loét do tì đè thường xảy ra trong 2 tuần đầu nhập viện và có thể tiến triển trong 2-6 giờ đầu. Khi đã xuất hiện, loét do tư thế rất khó lành và gây tăng tỉ lệ tử vong. Các yếu tố nguy cơ của loét do tư thế bao gồm tuổi cao, liệt và bệnh nặng.

Dự phòng:

Dự phòng là biện pháp chính phòng tránh loét do tư thế. Mặc dù đa số trường hợp loét do tư thế có thể phòng tránh được, các bằng chứng về biện pháp thực hành lâm sàng tối ưu vẫn còn thiếu, và không phải tất cả các loét do tư thế đều có thể tránh được. Các biện pháp gồm:

  • Đánh giá các yếu tố nguy cơ như bất động, hạn chế vận động, không tỉnh táo, dinh dưỡng kém, tuần hoàn kém và rối loạn ý thức.
  • Chăm sóc và thăm khám da hằng ngày, đặc biệt là các vị trí có lồi xương, giảm tình trạng ẩm ướt do bài tiết ra mồ hôi, hoặc dịch chảy ra từ vết thương, dùng kem làm ẩm để tránh khô da vùng xương cùng.
  • Bổ sung dinh dưỡng cho các bệnh nhân có nguy cơ.
  • Các can thiệp nhằm làm giảm hoặc phân phối lại áp lực bao gồm lăn trở thường xuyên (tối thiểu mỗi 2 h hoặc hằng giờ ở những bệnh nhân ngồi xe lăn), kê gối hoặc đệm mút các vị trị có lồi xương, nâng đầu giường ở vị trí thấp nhất và sử dụng các thiết bị nâng hạ khi di chuyển bệnh nhân. Có thể sử dụng các thiết bị giảm áp lực (đệm mút, đệm khí, giường di chuyển, đệm hơi hoặc giường và đệm không khí-nước).

CHẨN ĐOÁN:

Biểu hiện lâm sàng:

Phân loại của Hội đồng cố vấn quốc gia Hoa Kỳ về loét do áp lực:

  • Nghi ngờ tổn thương mô sâu: vùng da khu trú còn nguyên vẹn bị đổi màu tím hoặc màu nâu hoặc vùng da phồng rộp sung huyết do tổ chức mô mềm bên dưới bị tổn thương do đè ép và/hoặc biến dạng. Vùng loét có thể tiên lượng trước do tổ chức có thể đau, mật độ chắc hoặc mềm, ẩm, nóng hoặc lạnh hơn so với tổ chức lân cận.
  • Giai đoạn I: Vùng da khu trú còn nguyên vẹn với màu hồng nhạt, không mất màu khi ấn ép, thường gặp vùng da sát xương. Vùng da sẫm màu không thể chuyển thành màu trắng khi ấn; và da tổn thương có màu sắc khác với vùng xung quanh.
  • Giai đoạn II: mất một phần độ dày của lớp hạ bì, biểu hiện vết loét hở và nông với đáy màu hồng và không có giả mạc. Cũng có thể là nốt phồng rộp chứa huyết thanh còn nguyên vẹn hoặc đã vỡ.
  • Giai đoạn III: mất toàn bộ lớp hạ bì. Lộ lớp mỡ dưới da nhưng xương, gân, cơ chưa bị hở. Có thể có giả mạc nhưng không che phủ độ sâu của tổn thương. Có thể có đường hầm.
  • Giai đoạn IV: mất toàn bộ lớp hạ bì, lộ xương, gân, cơ. Có thể xuất hiện giả mạc hoặc vảy ở đáy tổn thương. Thường có hoại tử và đường hầm.
  • Không phân giai đoạn: mất toàn bộ lớp hạ bì, trong đó đáy ổ loét được che lấp bởi giả mạc (màu vàng, nâu, xám, hoặc nâu) và/hoặc vảy (rám, nâu hoặc đen) ở đáy tổn thương.

ĐIỀU TRỊ:

  • Can thiệp ban đầu bao gồm việc sử dụng các thiết bị giảm áp lực, giảm đau, rửa vết thương bằng nước muối sinh lí, tránh các thuốc gây chậm liền vết thương (thuốc khử trùng (dung dịch Dakin, oxy già, chlorhexidine) và gạc thấm hút mạnh), cắt bỏ các tổ chức hoại tử. Vết thương ẩm có khả năng liền nhanh và nên băng kín (như băng hydrocolloid) để duy trì một môi trường ẩm, kiểm soát tình trạng tiết dịch rỉ viêm. Nên dùng thuốc bôi tại chỗ (bạc sulfadiazine (Silvadene), bacitracin, Neosporin, Polysporin) để giúp vết thương liền nhanh chóng hoặc giảm gải mạc (Santyl, Xenaderm).
  • Dinh dưỡng đầy đủ được khuyến cáo, mặc dù còn thiếu dữ liệu nghiên cứu để khuyến cáo chế độ bổ sung dinh dưỡng cụ thể.
  • Cần phải điều trị kháng sinh toàn thân với các vết loét tư thế có viêm mô tế bào hoặc viêm bạch mạch, nhưng kháng sinh không có vai trò trong điều trị các vết loét không bị nhiễm trùng.
  • Biện pháp điều trị các vết loét không liền khác bao gồm xung điện, bức xạ nhiệt, điều trị áp lực âm và phẫu thuật.