TTO – Khi nạn nhân bị đuối nước, động tác vác lên vai, chạy hay dốc ngược nạn nhân đuối nước mà dân gian thường gọi là “xốc nước”, có khi kèm với “hú vía”, tưởng là biện pháp đúng nhưng lại gây nguy hiểm.
Lớp dạy bơi ngày hè cho trẻ em tại một hồ bơi ở Q.Tân Bình (TP.HCM) chiều 2-7 – Ảnh: NGUYỆT NHI
Trong một số trường hợp cứu người bị đuối nước mới đây được truyền thông tường thuật lại là nạn nhân vừa được kéo lên bờ, người cứu vác luôn nạn nhân lên vai và chạy để “xốc nước”. Có một vấn đề y khoa quan trọng mà chúng ta cần phải biết khi cứu người ở đây.
Người đuối nước bị cạn kiệt oxy
Động tác vác lên vai và chạy hay dốc ngược nạn nhân đuối nước mà dân gian thường gọi là “xốc nước”, có khi kèm với “hú vía”, được truyền khẩu và thực hiện đã lâu, khi vớt được người đuối nước lên chỗ cạn mà người đó không tỉnh.
Có lẽ mọi người nghĩ rằng nạn nhân bị bất tỉnh vì nước tràn vào bụng, vào phổi quá mức, dốc nước ra được thì có thể sống được. Suy đoán như vậy có vẻ không phải là không có lý. Và trong thực tế, cũng có nạn nhân sống bình thường sau khi được xốc nước.
Thực tế, sau khi vớt được nạn nhân ra khỏi nước, có thể có nhiều tình huống xảy ra như: có người không sao cả, chỉ mới uống vài ngụm nước; có người ho sặc, khó thở vừa phải; có người đã bất tỉnh. Việc cấp cứu được đặt ra với nạn nhân bất tỉnh là chính.
Theo các nghiên cứu y học nghiên cứu trên những người chết đuối cho thấy về sinh lý bệnh, nước không phải là nguyên nhân gây chết người vì số lượng của nó mà chính vì sự cạn kiệt oxy, dẫn tới cái chết và tổn thương thần kinh nếu sống sót.
Khác với người ngất do ngừng tim đột ngột hoặc rung thất, nạn nhân mất ý thức do máu không đến não được nhưng lượng oxy trong người vẫn còn trong một thời gian ngắn sau đó. Trái lại, người đuối nước sẽ tiêu thụ đến cạn kiệt oxy rồi mới ngất đi, hôn mê đi. Nên việc tiên quyết cần làm là phải cung cấp ngay oxy.
Việc vác người đuối nước lên vai và chạy là một hành vi gây nguy hiểm vì:
1 Làm chậm trễ việc cung cấp oxy cho nạn nhân, mà việc chậm trễ này có thể làm cho việc cung cấp oxy sau đó là vô ích vì nạn nhân đã chết. Trong cấp cứu đuối nước, cấp cứu kịp thời tại hiện trường là quyết định.
2 Việc đẩy nước ra khỏi người nạn nhân là chưa cấp bách vì nước trong trường hợp này không phải là nguyên nhân gây tử vong mà chính việc làm này có thể dẫn đến sự sặc nước và các chất khác từ dạ dày vào đường thở, ngăn cản việc thở lại của nạn nhân.
Hãy thổi ngạt ngay
* Hành động trước hết phải làm là thổi ngạt, trước cả việc xoa bóp tim ngoài lồng ngực (nhồi ép ngực). Thường khi vớt được nạn nhân ra khỏi nước thì chỉ có người với người tại chỗ mà không có phương tiện cấp cứu nào khác. Việc cung cấp oxy tức thì với thổi ngạt khi có thể là bước tối quan trọng trong cấp cứu đuối nước.
* Cách thổi ngạt: Nhanh chóng lấy dị vật thấy được trong họng nạn nhân ra. Để nạn nhân nằm ngửa, nâng cằm (chủ ý để đường thở của nạn nhân không bị gập). Thổi vào miệng của nạn nhân 5 hơi (nếu nạn nhân là người lớn, hãy bịt mũi, ngậm kín lấy miệng nạn nhân khi thổi; nếu nạn nhân là trẻ rất nhỏ, hãy ngậm kín cả miệng lẫn mũi). Hít một hơi bình thường và thổi ra với tốc độ vừa phải, kéo dài khoảng hơn 1 giây (không thổi quá nhanh, quá mạnh).
Nếu sau khi thổi ngạt 5 hơi mà nạn nhân không có phản ứng tích cực nào (vẫn không thở, lay gọi không biết) thì phải lập tức tiến hành thủ thuật hồi sinh tim phổi (cardiopulmonary resuscitation).
Không vác nạn nhân lên vai chạy
Việc cứu người và mang ngay ra khỏi nước là rất đáng khâm phục về tình người và cực kỳ cần thiết để cấp cứu đuối nước về mặt y khoa. Vì nạn nhân nếu chìm trong nước quá 6 phút thì thường khó cứu mà cứu được thì nạn nhân có thể cũng mang di chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, động tác cấp cứu như vác người đuối nước lên vai và chạy lại là một sai lầm nguy hiểm chết người.
Nguồn: TTO
Nguồn: TTO