Chuyên ngành Y học hạt nhân (Nuclear Medicine) là một chuyên ngành tương đối mới của y học. Trong những năm qua nó đã có những bước tiến bộ vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh nói chung và đặc biệt trong bệnh ung thư.
Nguyên tắc chung của ghi hình y học hạt nhân là: đưa các đồng vị phóng xạ (ĐVPX) hay dược chất phóng xạ (DCPX) vào cơ thể người bệnh để ghi hình (xạ hình) các cơ quan. Các ĐVPX hay các DCPX để ghi hình phải được lựa chọn sao cho khi vào cơ thể nó chỉ tập trung vào cơ quan cần ghi hình, ít hoặc không tập trung phóng xạ ở các tổ chức hay cơ quan khác và phải được lưu giữ ở đó một thời gian đủ dài. Sự phân bố trong không gian của DCPX này sẽ được ghi thành hình ảnh thông qua các thiết bị thu nhận như máy Gamma Camera, SPECT, SPECT/CT, PET và PET/CT. Hình ảnh thu được có tính đặc hiệu của cơ quan cần nghiên cứu. Đây là điểm khác biệt rất quan trọng trong ghi hình bằng kỹ thuật y học hạt nhân so với các kỹ thuật ghi hình không đưa các phóng xạ vào cơ thể người bệnh như CT, MRI… Thực chất xạ hình (Scintigraphy) là phương pháp ghi hình ảnh sự phân bố một cách đặc hiệu của các chất phóng xạ ở bên trong các cơ quan bằng cách đo hoạt độ phóng xạ của chúng từ bên ngoài cơ thể. Xạ hình không chỉ là phương pháp chẩn đoán hình ảnh đơn thuần về hình thái mà nó còn giúp ta hiểu và đánh giá được chức năng của cơ quan và một số biến đổi bệnh lí khác của chính cơ quan đó.
Tại Trung Tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (YHHN và UB) Bệnh viện Bạch Mai chúng tôi đã áp dụng nhiều kỹ thuật YHHN chẩn đoán cho hàng nghìn bệnh nhân. Trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu về kỹ thuật xạ hình chức năng thận.
I. MỞ ĐẦU
Xạ hình chức năng thận bao gồm việc chụp hình thận hàng loạt và lập thận đồ đồng vị hiện đang được áp dụng rộng rãi ở các khoa Y học hạt nhân. Với việc trợ giúp của máy móc ghi đo hiện đại có độ chính xác cao và sử dụng các chất đánh dấu phóng xạ cho hình ảnh có chất lượng tốt, xạ hình thận chức năng đã trở thành kỹ thuật không thể thiếu được trong phức hợp thăm dò chức năng thận, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác chẩn đoán các bệnh lý thận và đường tiết niệu.
II. NGUYÊN LÝ KỸ THUẬT XẠ HÌNH CHỨC NĂNG THẬN
Dùng các chất mà đường bài xuất duy nhất ra khỏi cơ thể là qua thận, đánh dấu đồng vị phóng xạ rồi tiêm tĩnh mạch cho bệnh nhân. Ghi lại hình ảnh động học và đồ thị hoạt độ phóng xạ – thời gian của từng thận, phân tích định tính và định lượng, qua đó sẽ đánh giá được chức năng của từng thận riêng rẽ.
III. CHỈ ĐỊNH VÀ CHỐNG CHỈ ĐỊNH
3.1. Chỉ định:
– Đánh giá chức năng hai thận hoặc từng thận riêng rẽ.
– Đánh giá và theo dõi các bệnh lý ở thận như: tăng huyết áp do thận, viêm đài bể thận, viêm cầu thận, hoại tử ống thận, suy thận cấp…
– Đánh giá và theo dõi tắc đường tiết niệu.
– Nghi thận một bên.
– Chấn thương thận.
– Đánh giá và theo dõi sau ghép thận.
3.2. Chống chỉ định:
– Bệnh nhân đang dùng các thuốc ức chế men chuyển (ACE).
– Bệnh nhân đang có thai hoặc cho con bú.
IV. Dược chất phóng xạ và trang bị cần thiết
+ Thuốc phóng xạ:
–         Tc-99m – diemethylenetriamine penta-acetic acid (DTPA).
–         Tc-99m – mercaptoacetyltriglycine (MAG3).
Thiết bị ghi đo: Máy Gamma camera, SPECT.
Máy SPECT 2 đầu thu 
Máy SPECT 1 đầu thu
 
V. QUY TRÌNH THỰC HIỆN
+ Chuẩn bị bệnh nhân:
–         Nhắc bệnh nhân uống nhiều nước (0,5 – 1 lít nước) trong vòng 30 phút – 1 giờ trước khi xạ hình.
–         Bệnh nhân cần đi tiểu trước khi ghi đo.
+ Thuốc phóng xạ:
–         Tc-99m – DTPA tiêm tĩnh mạch nhanh dạng (bolus).
–         Liều dùng cho người lớn: 3 – 15 mCi (111-555 MBq).
+Các bước tiến hành:
–         Đo số xung của syringe trước và sau khi tiêm trong thời gian 1 phút cách bề mặt detector 20-30 cm.
–         Bệnh nhân nằm ngửa, detector đặt sát lưng phía sau (nếu thận ghép: đặt ở phía trước bụng). Thận và bàng quang nằm trong vùng truờng nhìn của detector.
–         Khi nghe tín hiệu bật máy, tiêm nhanh thuốc phóng xạ dưới dạng (bolus) vào tĩnh mạch bệnh nhân.
–         Thu nhận thông tin dòng máu đến thận, tiếp sau đó những hình ảnh động học của thận (Pha tưới máu: 6 giây/hình ghi trong 1 phút. Pha động học: 60 giây/hình ghi trong 19 phút). Đặt matrix 128×128.
+ Xử lý hình ảnhtạo thận đồ (đồ thị hoạt độ phóng xạ – thời gian).
Chọn các hình ảnh thận có số đếm cao nhất để xử lý.
VI. PHÂN TÍCH KẾT QUẢ
6.1. Bình thường:
– Hai thận hiện hình ở vị trí giải phẫu bình thường, có cùng kích thước và mật độ tập trung phóng xạ như nhau.
Hình ảnh xạ hình thận bình thường
– Hình ảnh thận đồ: gồm 3 pha
Pha mạch (20-30 giây): đồ thị thận lên nhanh với độ nghiêng gần như thẳng đứng.
Pha tiết (Tmax: 2 – 6 phút): đồ thị tiếp tục đi lên những chậm hơn pha mạch và đạt đỉnh điểm.
Pha bài xuất (T1/2 < 15 phút): đồ thị bắt xuống nhanh trong 3-4 phút đầu, sau đó xuống chậm dần.
– Tính GFR; ERPF; GFR/ERPF.
– Mức lọc cầu thận trung bình (MLCT) đo bằng xạ hình: 125ml/phút
– Mức lọc cầu thận của từng thận
– Mức tập trung phóng xạ của mỗi thận khoảng 4 – 9% tổng hoạt độ phóng xạ tiêm cho bệnh nhân
Thđồ bình thường
6.2. Bất thường:
– Hiện hình 1 trong 2 quả thận.
– Tăng hoặc giảm tập trung phóng xạ ở 1 trong 2 thận.
– Hình ảnh tập trung phóng xạ cao bất thường vùng đài bể thận.
– Các hình ảnh bất thường trên thận đồ.
– Tăng tập trung phóng xạ bất thường ở lách hoặc gan.
VII/ MỘT SỐ CA LÂM SÀNG:
1. Bệnh nhân Lê Đức L., nam, 49 tuổi
Kết quả: Hai thận có vị trí, hình dáng, kích thước, cấu trúc và chức năng bình thường.
2. Bệnh nhân PHẠM T. B., nữ, 76 tuổi
Chẩn đoán: Suy thận phải

Kết quả xạ hình chức năng thận:

– Thận trái chức năng bình thường
– Thận phải gần như không còn hoạt động chức năng (đồ thị màu xanh đi ngang)
3. BN nam, 68 tuổi
Chẩn đoán: Sau phẫu thuật cắt thận trái
Kết quả: – Thận P có hình dáng, vị trí, kích thước và chức năng bình thường.
– Không thấy hình ảnh thận T.
VIII. KẾT LUẬN
Xạ hình chức năng thận là 1 kỹ thuật chẩn đoán đơn giản, dễ tiến hành, rất có giá trị trong các bệnh lý của thận, không chỉ cung cấp các thông tin về chức năng riêng rẽ của từng thận qua phân tích định lượng và định tính mà còn cho các thông tin về vị trí, kích thước và giải phẫu của thận. Ngoài ra xét nghiệm này rất có ích trong các trường hợp bệnh nhân mẫn cảm với thuốc cản quang có iốt hoặc urê cao mà không thể chụp X quang được.
PGS.TS Mai Trọng Khoa, BS Nguyễn Xuân Thanh