Hội chứng ngoại tháp là thuật ngữ chỉ chung các rối loạn vận động liên quan đến hệ ngoại tháp. Hệ ngoại tháp là một bộ phận của hệ thống thần kinh có chức năng điều tiết các vận động cơ không chủ ý của cơ thể. Vậy đặc điểm và cách điều trị hội chứng ngoại tháp thế nào

HỘI CHỨNG NGOẠI THÁP LÀ GÌ

Hội chứng ngoại tháp là tập hợp những rối loạn vận động do tổn thương đường tháp được tạo thành bởi các sợi vỏ não-tủy sống từ nơron vận động trung ương.
Hội chứng ngoại tháp là tập hợp những rối loạn vận động do tổn thương đường tháp được tạo thành bởi các sợi vỏ não-tủy sống từ nơron vận động trung ương. Rối loạn này gây ra những triệu chứng điển hình là run, rung giật cơ, cứng cơ khớp, hay múa giật,…

NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN HỘI CHỨNG NGOẠI THÁP

Rối loạn vận động ngoại tháp xảy ra khi một chất dẫn truyền thần kinh có tên là Dopamin trong não bị phong tỏa hoạt động. Nguyên nhân thường gặp nhất gây ra hiện tượng này là do tác dụng phụ của một số thuốc chống loạn thần. Bên cạnh đó còn có thể do các bệnh lý thoái hóa thần kinh, xơ cứng động mạch não, viêm não, u não, chấn thương, nhiễm virus, ngộ độc, thậm chí không rõ nguyên nhân.

TRIỆU CHỨNG CỦA HỘI CHỨNG NGOẠI THÁP

Hội chứng ngoại tháp có 4 dạng triệu chứng chính đó là: Triệu chứng Parkinson, Dystonia (rối loạn trương lực cơ), Akathisia (ngồi không yên) và rối loạn vận động Tardive (múa giật).
Triệu chứng Parkinson
Chúng bao gồm những triệu chứng rối loạn vận động giống như trong bệnh Parkinson, vì vậy còn được gọi là hội chứng Parkinson do rối loạn ngoại tháp. Những triệu chứng này bao gồm:
– Run: Thường gặp nhất ở tay tuy nhiên cũng có thể xảy ra ở các cơ miệng dẫn tới run môi.
– Cứng cơ: các cơ bắp và các khớp ở tay chân cứng đờ, khiến người bệnh khó hoạt động và di chuyển.
– Chậm vận động: các cơ bắp bị cứng khiến người bệnh vận động chậm chạp, khó nuốt, khó nói và khó biểu lộ cảm xúc trên khuôn mặt (khuôn mặt vô cảm hay mặt nạ).
– Khó giữ thăng bằng: người bệnh gặp nhiều khó khăn trong giữ thăng bằng và khó có thể đứng vững.
Triệu chứng Dystonia (rối loạn trương lực cơ)
Triệu chứng Dystonia hay phản ứng Dystonic là tình trạng một vùng cơ trong cơ thể đột nhiên bị cứng hoàn toàn (đóng băng) dẫn đến cảm giác rất khó chịu, buồn bực, đau đớn. Dystonia có thể gây ảnh hưởng đến tất cả các cơ bắp trong cơ thể, bao gồm các cơ cổ (còn gọi là tật vẹo cổ), cơ mắt (được gọi là oculogyric), cơ lưỡi, hàm, thậm chí là cả các cơ hô hấp, khiến người bệnh khó thở.
Triệu chứng Akathisia (ngồi không yên)
Triệu chứng Akathisia khiến người bệnh luôn có cảm giác bồn chồn, khó chịu khi ngồi yên, vì vậy họ buộc phải di chuyển liên tục. Chứng Akathisia cũng có thể khiến người bệnh luôn có cảm giác lo lắng và không thể thư giãn.
Rối loạn vận động Tardive (chứng múa giật)
Đây là hiện tượng người bệnh có những cử động bất thường xuất hiện đột ngột, nhanh, giật cục và không theo quy luật nào của các bộ phận khác nhau trong cơ thể. Triệu chứng này thường gặp ở môi, lưỡi, mặt, cổ, cũng như bàn tay và bàn chân, còn được gọi là chứng múa giật (Choreo-athetosis). Những triệu chứng này có xu hướng xuất hiện sau vài tháng, thậm chí vài năm sau khi sử dụng thuốc chống loạn thần.

ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG NGOẠI THÁP

Việc điều trị hội chứng ngoại tháp phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và các triệu chứng mà người bệnh gặp phải. Các bước điều trị cơ bản bao gồm:
  • Cắt giảm liều các loại thuốc gây ra hội chứng ngoại tháp (nếu đang sử dụng) và thay thế bằng những loại thuốc khác.
  • Sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng:
+ Điều trị hội chứng Parkinson: có thể sử dụng các thuốc kháng acetylcholin và nên bắt đầu với liều thấp nhất có thể cho đến khi cơ thể người bệnh có thể đáp ứng. Khi các triệu chứng đã giảm dần thì có thể giảm dần liều lượng và ngưng thuốc .
+ Điều trị Akathisia: Rối loạn vận động ngoại tháp dạng akathisia, lựa chọn đầu tiên thường là propranolol liều thấp. Một số loại thuốc khác như benzodiazepines cũng có hiệu quả trong điều trị triệu chứng akathisia. Thuốc kháng cholinergic có thể được sử dụng tuy nhiên chưa ghi nhận hiệu quả rõ rệt.
+Điều trị triệu chứng Dystonia: Phản ứng Dystonic là tình trạng cấp cứu y tế vì vậy người bệnh cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt, đặc biệt khi ảnh hưởng đến các cơ vùng đầu, cổ hay khả năng hít thở của người bệnh. Các triệu chứng Dystonia có thể được thuyên giảm nhanh chóng và hiệu quả với một liều tiêm bắp thuốc kháng cholingergic, chẳng hạn như benztropine liều 1-2mg, lặp đi lặp lại mỗi 15-30 phút cho đến khi các triệu chứng không còn.
+ Điều trị rối loạn vận động Tardive: Rối loạn vận động Tardive có thể mất vài tháng hoặc nhiều năm để phát triển và khi đã xuất hiện thì rất khó điều trị. Vì thế, việc điều trị tốt nhất cho rối loạn vận động tardive đó là phòng ngừa. Ngay từ giai đoạn đầu điều trị chỉ nên lựa chọn các loại thuốc chống loạn thần có hoạt lực kháng dopamin thấp nhất. Nếu rối loạn Tardive đã xuất hiện, việc điều trị chủ yếu vẫn là chuyển đổi thuốc chống loạn thần đang sử dụng sang loại thuốc ít rủi ro hơn. 
Nguồn:benhvienthucuc.vn