PGS.TS. Hà Hoàng Kiệm        
1. Đại cương
1.1. Khái niệm
Bệnh Crohn, còn được gọi là bệnh viêm ruột từng vùng, Biểu hiện chủ yếu là gây loét thành trong của ruột non và đại tràng. Bệnh Crohn gây tổn thương ở cả ruột non, ruột già, thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa từ miệng đến đại tràng và cả hậu môn.
Bệnh được đặt tên theo tên bác sĩ người Mỹ Burrill Bernard Crohn (1884 – 1983). Crohn đã mô tả căn bệnh này vào năm 1932. Bệnh còn được gọi là u hạt viêm ruột hoặc viêm đại tràng, viêm ruột khu vực, viêm manh tràng.
Burrill Bernard Crohn (1884 – 1983)
Bệnh Crohn và bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu có lâm sàng tương tự nhau và đều do cơ chế miễn dịch thường được gọi chung là bệnh viêm ruột (IBD – Inflammatory Bowel Disease). Tổn thương trong bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu chỉ khu trú ở đại tràng, chủ yếu ở đại tràng xuống và một phần đại tràng ngang, tổn thương chỉ dừng lại ở lớp niêm mạc và dưới niêm mạc, không tổn thương đến lớp cơ. Tổn thương trong bệnh Crohn có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa từ miệng tới hậu môn, tổn thương có thể sâu tới lớp cơ thậm chí toàn bộ chiều dày của thành ruột gây thủng ruột hoặc tạo thành các lỗ dò. Cả hai bệnh là bệnh mạn tính không có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi bệnh bắt đầu, chúng có xu hướng chuyển bệnh từ dạng không hoạt động (thuyên giảm) sang  hoạt động (tái phát) và ngược lại.
Vùng tổn thương của bệnh Crohn (hình trái) và bệnh Viêm loét đại trực tràng chảy máu (hình phải).
Tổn thương thành trong của ruột trong bệnh Crohn
1.2. Dịch tễ
Bệnh viêm ruột ảnh hưởng đến khoảng 500.000 đến hai triệu người ở Hoa Kỳ. Nam và nữ bị ảnh hưởng như nhau. Người Mỹ gốc Do Thái ở châu Âu có khả năng mắc bệnh cao hơn 4-5 lần so với dân số nói chung. IBD có lịch sử chủ yếu là bệnh của người da trắng, nhưng có sự gia tăng ở người Mỹ gốc Phi. Tỷ lệ xuất hiện thấp hơn trong các quần thể người Tây Ban Nha và châu Á. IBD thường bắt đầu ở tuổi vị thành niên và tuổi trưởng thành (thường là trong độ tuổi từ 15 đến 35). Có một tỉ lệ mắc bệnh mới được chẩn đoán sau 50 tuổi. Tỷ lệ mới mắc trên tỷ lệ bệnh Crohn ở Mỹ đang tăng lên, mặc dù lý do chưa được hiểu rõ.
Bệnh Crohn có xu hướng phổ biến hơn ở những người có cùng huyết thống với bệnh nhân bị bệnh Crohn. Nếu một người có căn bệnh này thì anh chị em của bệnh nhân có nguy cơ bị bệnh được ước tính ít nhất lớn hơn 10 lần so với dân số nói chung.
1.3. Nguyên nhân
Nguyên nhân của bệnh Crohn chưa được biết. Mặc dù chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến các triệu chứng ở những bệnh nhân bị bệnh Crohn, nhưng không chắc rằng chế độ ăn uống là nguyên của căn bệnh này.
Hệ thống miễn dịch trong ruột bị kích hoạt là rất quan trọng trong IBD. Hệ thống miễn dịch gồm các tế bào miễn dịch và các protein mà các tế bào miễn dịch sản sinh. Thông thường, các tế bào và các protein miễn dịch bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn có hại, virus, nấm, và những tác nhân xâm nhập khác từ bên ngoài. Kích hoạt hệ thống miễn dịch gây viêm trong các mô (Viêm là một cơ chế quan trọng bảo vệ cơ thề được thực hiện bởi hệ thống miễn dịch).
Thông thường, hệ thống miễn dịch chỉ được kích hoạt khi cơ thể tiếp xúc với những yếu tố xâm nhập có hại. Tuy nhiên, Ở người có IBD hệ thống miễn dịch hoạt động bất thường và mạn tính, kích hoạt trong trường hợp không có bất kỳ yếu tố xâm nhập có hại nào, tiếp tục kích hoạt bất thường hệ thống miễn dịch dẫn đến hậu quả là gây ra tình trạng viêm mạn tính và loét ở ống tiêu hóa. Tính nhạy cảm dễ kích hoạt bất thường của hệ thống miễn dịch được cho là do gen di truyền. Do đó, mức độ liên quan về mặt di truyền đầu tiên (anh em, chị em, con cái và cha mẹ) của những người có IBD có nhiều khả năng phát triển các bệnh này. Gần đây, một gen được gọi là NOD2 đã được xác định có liên quan đến bệnh Crohn. Gen này rất quan trọng trong phản ứng của cơ thể với một số sản phẩm do vi khuẩn. Cá nhân có đột biến trong gen này dễ bị bệnh Crohn.
Các gen khác vẫn đang được phát hiện và nghiên cứu là yếu tố quan trọng trong việc tìm hiểu cơ chế bệnh sinh của bệnh Crohn. yếu tố tự miễn 16 như 1 gen (ATG 16L1) và IRGM, cả hai đều liên quan đến hoạt động của các đại thực bào đã được xác định. Cũng có những nghiên cứu cho thấy trong ruột của những cá nhân bị bệnh Crohn, có mật độ cao hơn của vi khuẩn E. coli. Vấn đề này có thể có vai trò trong cơ chế bệnh sinh của bệnh Crohn. Vai trò chính xác của các yếu tố này trong căn bệnh Crohn vẫn chưa rõ ràng.
1.4. Yếu tố nguy cơ
– Tuổi: Bệnh Crohn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường phát triển khi còn trẻ. Hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán bệnh Crohn trong độ tuổi từ 20 và 30.
– Chủng tộc: Người da trắng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, nhưng bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ dân tộc nào. Nếu là người gốc Do Thái, nguy cơ thậm chí còn cao hơn.
– Lịch sử gia đình: Nguy cơ cao hơn ở những người có một người thân như cha mẹ, anh chị em ruột hoặc con mắc căn bệnh này.
– Nơi sinh sống: Bệnh Crohn xảy ra nhiều hơn ở những người sống ở các thành phố và các quốc gia công nghiệp, có thể các yếu tố môi trường, bao gồm chế độ ăn giàu chất béo trong thực phẩm hoặc tinh chế, có vai trò trong bệnh Crohn. Những người sống ở vùng khí hậu phía Bắc cũng có nguy cơ mắc bệnh lớn hơn.
– Sử dụng Isotretinoin. Isotretinoin (Accutane) là một thuốc được dùng để điều trị mụn trứng cá nang hoặc mụn mà không đáp ứng với điều trị khác. Mặc dù nguyên nhân và hiệu lực chưa được chứng minh, các nghiên cứu đã báo cáo sự phát triển của bệnh viêm ruột với việc sử dụng isotretinoin.
– Kháng viêm không steroid (NSAIDs): Mặc dù các thuốc này, như ibuprofen, naproxen, diclofenac, piroxicam và những thuốc khác đã không được chứng minh gây ra bệnh Crohn, nhưng nó có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng tương tự. Ngoài ra, thuốc có thể làm cho bệnh Crohn hiện tại tồi tệ hơn.
2. Lâm sàng
Bệnh Crohn là một bệnh viêm ruột (IBD) có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa từ miệng đến hậu môn. Các triệu chứng điển hình của bệnh Crohn bao gồm đau bụng, sốt, mệt mỏi, buồn nôn, và tiêu chảy mạn tính. Ngoài ra còn đầy hơi, tăng đông máu, táo bón, phù mặt, chảy máu nội tạng, sỏi thận, bệnh gan, viêm khớp, đau trong khi đi ngoài, chảy máu trực tràng, và giảm cân nhanh chóng và những triệu chứng khác. Những triệu chứng từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào mức độ bệnh, vị trí của ruột bị ảnh hưởng và mức độ của viêm.
2.1. Triệu chứng
– Triệu chứng tiêu hóa bao gồm: tiêu chảy và đau bụng dữ dội. Tiêu chảy có thể có hoặc không kèm theo máu. Trong trường hợp nặng, một số người bị bệnh Crohn có thể có nhiều hơn 20 lần đi đại tiện mỗi ngày. Bệnh nhân cũng có thể đầy hơi, đau xung quanh hậu môn do áp-xe. Thực quản và dạ dày có thể bị ảnh hưởng và bệnh nhân có thể phát triển viêm loét, khó nuốt, và ói mửa.
– Loét ở ruột: Bệnh Crohn có thể gây ra vết loét nhỏ trên bề mặt của ruột mà cuối cùng trở thành loét lớn thâm nhập sâu và đôi khi thủng ruột. Cũng có thể có vết loét trong miệng tương tự.
– Triệu chứng toàn thân: phổ biến ở trẻ em, nhất là trong tình trạng suy dinh dưỡng. Những người mắc bệnh Crohn có thể giảm cân do mất cảm giác ngon miệng và gây hấp thụ carbohydrate hay chất béo. Người bệnh có thể bị sốt nhẹ, nhiệt độ có thể cao hơn nếu có áp – xe tồn tại.
– Triệu chứng ở hệ thống cơ quan khác: Bệnh nhân có thể bị đau mắt, có thể dẫn đến mất thị lực nếu không được điều trị. Bệnh Crohn cũng có thể kết hợp với viêm khớp dạng thấp và ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết. Bệnh nhân bị bệnh Crohn cũng có nguy cơ cao hình thành các cục máu đông. Ngoài ra bệnh Crohn còn có thể gây ra loãng xương, giảm mật độ xương. Những người bị loãng xương có nguy cơ cao bị gãy xương. Tổn thương khác có thể bao gồm co giật, đột quỵ, bệnh lý thần kinh ngoại biên, đau đầu, và trầm cảm.
– Nhiều bệnh nhân mắc bệnh Crohn đã có triệu chứng từ vài năm trước đó, trước khi được chẩn đoán chính xác. Lúc đầu, các triệu chứng không rõ ràng và cụ thể bởi những triệu chứng cũng có thể có ở những căn bệnh khác như viêm loét đại tràng hoặc hội chứng ruột kích thích. Bệnh Crohn là một bệnh hiếm gặp và không có xét nghiệm để đảm bảo chẩn đoán chính xác. Do đó việc chẩn đoán thường thông qua quá trình loại trừ.
Hình ảnh nội soi đại tràng. Hình trái: bệnh Crohn, hình phải đại tràng bình thường.
2.2Biến chứng
– Tắc ruột: Bệnh Crohn ảnh hưởng đến toàn bộ chiều dày của thành ruột. Theo thời gian, thành ruột có thể dày lên và gây hẹp lòng ruột, có thể chặn dòng chảy của dịch tiêu hóa qua phần ruột bị ảnh hưởng. Một số trường hợp phải phẫu thuật để loại bỏ phần ruột bị bệnh.
– Loét đường tiêu hóa: Chứng viêm kinh niên có thể dẫn đến vết loét ở bất cứ nơi nào trên đường tiêu hóa, bao gồm cả miệng và hậu môn và ở vùng sinh dục. Loét có thể gây thủng hoặc hình thành các lỗ dò.
– Đường dò (fistulas): Đôi khi loét có thể mở rộng hoàn toàn qua thành trong của ruột tạo ra một lỗ rò (nối thông bất thường giữa các phần khác nhau của đường ruột, giữa ruột và da, hoặc giữa ruột và cơ quan khác, như bàng quang hay âm đạo). Khi đường dò hình thành, thực phẩm có thể qua các khu vực dò ruột. Lỗ rò ra ngoài có thể gây thoát dịch trên da, và trong một số trường hợp, lỗ dò có thể trở nên bị viêm nhiễm và tạo thành áp – xe, có thể đe dọa tính mạng nếu không được chữa trị.
– Khe nứt hậu môn: Đây là một vết nứt trong hậu môn hoặc trong da xung quanh hậu môn, có thể vết nứt bị nhiễm khuẩn. Vết nứt thường gây đau khi đi đại tiện.
– Suy dinh dưỡng: Tiêu chảy, đau bụng và co thắt ruột có thể gây cản trở ăn uống hoặc cản trở ruột hấp thụ chất dinh dưỡng gây ra suy dinh dưỡng. Ngoài ra, thiếu máu thường gặp ở những người bị bệnh Crohn.
– Vấn đề sức khỏe khác: Ngoài viêm và loét ở đường tiêu hóa, bệnh Crohn có thể gây ra vấn đề trong các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như viêm khớp, viêm mắt hoặc da, móng tay hình trùy, sỏi thận, sỏi mật và đôi khi viêm ống dẫn mật. Người bị bệnh Crohn lâu cũng có thể phát triển bệnh loãng xương.
– Viêm ruột và ung thư đại tràng: Bệnh Crohn làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Mặc dù nguy cơ này tăng lên ở bệnh nhân bị bệnh Crohn nhưng hơn 90% những người bị bệnh viêm ruột không thấy phát triển ung thư. Nguy cơ lớn nhất là nếu đã bị bệnh viêm ruột ít nhất tám năm và nếu bệnh đã lan qua toàn bộ đại tràng. Đã có các bệnh ở các khu vực ngoài ruột, nguy cơ bệnh ung thư đại tràng càng lớn. Nguy cơ ung thư khác cũng tăng lên trong đó có ung thư hậu môn.
– Thuốc điều trị và nguy cơ ung thư: Thuốc ức chế hệ miễn dịch cũng liên quan với một số nguy cơ phát triển ung thư, bao gồm azathioprine, mercaptopurine, methotrexate, infliximab và những loại khác. Các thuốc này có thể cần sử dụng cho những bệnh nhân bị bệnh Crohn để cải thiện chất lượng cuộc sống và tránh phẫu thuật hoặc nhập viện. Nguy cơ có thể do sự ức chế hệ miễn dịch của các loại thuốc này gây ra.
3. Điều trị
3.1. Thuốc chống viêm
– Sulfasalazine: Mặc dù thuốc không phải luôn luôn có hiệu quả với bệnh Crohn. Thuốc có một số tác dụng phụ bao gồm buồn nôn, nôn, ợ nóng và đau đầu. Không dùng thuốc khi bị dị ứng với nhóm thuốc sulfa.
– Mesalamine: Thuốc có ít tác dụng phụ hơn so với sulfasalazine, nhưng có thể gây buồn nôn, nôn, ợ nóng, tiêu chảy và đau đầu. Dùng ở dạng viên hoặc dạng thuốc xổ hoặc thuốc đạn khi chỉ một phần của ruột già bị ảnh hưởng. Thuốc thường không hiệu quả cho các bệnh nhân có tổn thương ở ruột non.
– Corticosteroid: Corticosteroid có thể giúp giảm viêm bất cứ nơi nào trong cơ thể, nhưng nó có nhiều tác dụng phụ. Nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm huyết áp cao, tiểu đường týp 2, loãng xương, gãy xương, đục thủy tinh thể và tăng khả năng bị nhiễm trùng. Sử dụng lâu dài corticosteroid ở trẻ em có thể dẫn đến chậm tăng trưởng. Ngoài ra, corticosteroid không hiệu quả cho tất cả mọi người bị bệnh Crohn. Corticosteroid chỉ nên sử dụng nếu người bệnh bị viêm ruột trung bình đến nặng mà không đáp ứng với điều trị khác. Một loại mới hơn của corticosteroid, budesonide, tác dụng nhanh hơn là corticosteroid truyền thống và tác dụng phụ ít hơn. Thuốc thường chỉ hiệu quả trong bệnh Crohn có liên quan đến ruột non và phần đầu của ruột già. Corticosteroid không được sử dụng lâu dài. Nhưng nó có thể được sử dụng ngắn hạn (3 – 4 tháng) để cải thiện và làm thuyên giảm triệu chứng.
3.2. Thuốc ức chế miễn dịch
Các thuốc ức chế miễn dịch cũng làm giảm viêm, nhưng tác động lên hệ thống miễn dịch hơn là trực tiếp điều trị viêm. Bằng cách ức chế các phản ứng miễn dịch, viêm cũng giảm. Thuốc ức chế miễn dịch bao gồm:
– Azathioprine và mercaptopurine: Đây là những thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng rộng rãi nhất để điều trị bệnh viêm ruột. Mặc dù có thể mất 2 – 4 tháng để thuốc bắt đầu có hiệu quả, nó giúp làm giảm các triệu chứng của IBD nói chung và có thể chữa lành đường dò do bệnh Crohn gây ra. Nếu đang dùng một trong các loại thuốc này, cần phải theo dõi chặt chẽ các tác dụng phụ.
– Infliximab: Thuốc dành cho người lớn và trẻ em bị bệnh Crohn trung bình đến nặng, những bệnh nhân không đáp ứng hoặc không thể chịu được điều trị khác. Thuốc tác động lên yếu tố hoại tử khối u (TNF).
– Adalimumab: Adalimumab tương tự như infliximab bằng cách ức chế TNF. Thuốc được sử dụng cho những người bị bệnh Crohn trung bình đến nặng. Chỉ định đối với những người chưa được điều trị bởi infliximab hoặc phương pháp điều trị khác. Adalimumab được tiêm dưới da mỗi tuần. Adalimumab có thể làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Crohn và có thể làm bệnh thuyên giảm.
Tuy nhiên adalimumab, infliximab làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, bao gồm cả bệnh lao và nhiễm nấm nghiêm trọng. Cần xét nghiệm test da về bệnh lao trước khi bắt đầu điều trị adalimumab. Các tác dụng phụ thường gặp nhất của adalimumab là kích thích da và đau ở chỗ tiêm, buồn nôn, chảy nước mũi và nhiễm trùng hô hấp trên.
– Certolizumab pegol: Được FDA phê duyệt để điều trị bệnh Crohn, certolizumab hoạt động bằng cách ức chế pegol TNF. Pegol Certolizumab được chỉ định cho những người bị bệnh Crohn trung bình đến nặng hoặc những người không sử dụng được các phương pháp điều trị khác. Bước đầu dùng pegol certolizumab là tiêm một mũi mỗi hai tuần. Sau một vài lần, xác định tiến triển và cho dùng một liều một tháng. Tác dụng phụ thường gặp bao gồm đau đầu, nhiễm trùng hô hấp trên, đau bụng, buồn nôn và các phản ứng tại chỗ. Giống như các thuốc ức chế TNF khác, bởi vì thuốc này ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, cũng có nguy cơ làm tăng nhiễm khuẩn, chẳng hạn như bệnh lao.
– Methotrexate: Thuốc được sử dụng để điều trị ung thư, bệnh vẩy nến và viêm khớp dạng thấp, đôi khi được dùng cho những người bị bệnh Crohn mà không đáp ứng tốt với thuốc khác. Thuốc bắt đầu tác dụng sau khoảng tám tuần điều trị hoặc lâu hơn. Tác dụng phụ ngắn hạn bao gồm buồn nôn, mệt mỏi và tiêu chảy và hiếm khi gây viêm phổi. Sử dụng lâu dài có thể dẫn đến sơ gan và đôi khi dẫn đến ung thư. Tránh mang thai trong khi dùng methotrexate. Nếu đang uống thuốc này cần theo dõi chặt chẽ và kiểm tra máu thường xuyên để phát hiện các tác dụng phụ.
– Cyclosporin: Thuốc có tác dụng mạnh, thường được sử dụng để chữa lành đường dò, thường dùng cho những người không đáp ứng với các thuốc khác. Mặc dù có hiệu quả, cyclosporine có tiềm năng gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, chẳng hạn như tổn thương gan và thận, cao huyết áp, động kinh, nhiễm trùng gây tử vong và tăng nguy cơ ung thư hạch.
– Natalizumab: Thuốc ức chế phân tử miễn dịch – integrins, liên quan với các tế bào trong lớp lót đường ruột. Natalizumab được sử dụng cho những bệnh nhân bị bệnh Crohn mức độ vừa đến nặng và những người không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường khác. Tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nguy hiểm, bởi vì thuốc có thể gây ra bệnh leukoencephalopathy multifocal – một bệnh não thường dẫn đến tử vong hoặc tàn tật nặng nên cần hạn chế sử dụng.
3.3. Kháng sinh
Kháng sinh có thể chữa lành đường dò và áp xe ở những người bị bệnh Crohn. Các nhà nghiên cứu cũng tin rằng thuốc kháng sinh giúp giảm vi khuẩn có hại trong ruột và ngăn chặn hệ miễn dịch của ruột có thể gây ra triệu chứng. Kháng sinh theo chỉ định bao gồm:
– Metronidazole: Thuốc được sử dụng phổ biến nhất cho bệnh Crohn, metronidazole đôi khi có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm cả tê và ngứa ran ở bàn tay và bàn chân và đôi khi đau yếu cơ. Nếu những triệu chứng này xảy ra cần ngưng thuốc ngay. Tác dụng phụ khác bao gồm buồn nôn, có vị tanh kim loại trong miệng, nhức đầu và ăn mất ngon. Nên tránh uống rượu trong khi dùng thuốc này.
– Ciprofloxacin: Thuốc có tác dụng cải thiện triệu chứng ở một số người bị bệnh Crohn, hiện nay thuốc thường được dùng để thay thế metronidazole. Ciprofloxacin có thể gây buồn nôn, nôn mửa, nhức đầu và hiếm khi có vấn đề về gan.
– Các thuốc khác: Ngoài việc kiểm soát tình trạng viêm, một số thuốc có thể giúp làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh Crohn, có thể dùng một hoặc nhiều loại thuốc sau:
+ Chống tiêu chảy: Bổ sung chất xơ, như chất Psyllium bột hoặc methylcellulose có thể giúp làm giảm nhẹ đến vừa phải tiêu chảy. Đối với tiêu chảy nặng hơn, loperamide có thể có hiệu quả. Sử dụng chống tiêu chảy thận trọng bởi vì chúng làm tăng nguy cơ phình đại tràng (megacolon), viêm nhiễm ruột già đe dọa tính mạng.
+ Thuốc nhuận tràng: Trong một số trường hợp, bệnh có thể gây phù nề làm hẹp ruột dẫn đến táo bón.
+ Thuốc giảm đau: Đối với cơn đau nhẹ, có thể dùng acetaminophen. Tránh thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như aspirin, ibuprofen hoặc naproxen vì có thể làm các triệu chứng nặng hơn.
+ Bổ sung sắt: Nếu có chảy máu đường ruột mạn tính, có thể gây thiếu máu thiếu sắt. Bổ sung sắt có thể giúp khôi phục lại nồng độ sắt  bình thường và giảm thiếu máu.
+ Vitamin B12: Vitamin B12 giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu, thúc đẩy tăng trưởng bình thường là cần thiết cho chức năng thần kinh. Thuốc được hấp thụ trong hồi tràng, một phần của ruột non thường bị ảnh hưởng bởi bệnh Crohn. Nếu viêm hồi tràng sẽ ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ vitamin này, có thể cần tiêm B12 hàng tháng. Cũng cần tiêm cả đời B12 nếu hồi tràng đã được cắt bỏ trong quá trình phẫu thuật.
+ Bổ sung Calci và vitamin D: Hầu hết bệnh nhân bị bệnh Crohn cần phải bổ sung thêm calci và vitamin D, do bệnh Crohn và steroid dùng để điều trị có thể làm tăng nguy cơ loãng xương.
+ Dinh dưỡng: Bệnh nhân có thể cần một chế độ ăn uống đặc biệt thông qua một ống cho ăn hoặc các chất dinh dưỡng tiêm vào tĩnh mạch để điều trị bệnh Crohn giúp cải thiện dinh dưỡng tổng thể và cho phép ruột nghỉ ngơi, giảm viêm trong ngắn hạn. Tuy nhiên, khi ăn được khởi động lại, các dấu hiệu và triệu chứng có thể quay trở lại. Bệnh nhân có thể sử dụng liệu pháp dinh dưỡng ngắn hạn và kết hợp với các thuốc khác, chẳng hạn như thuốc ức chế miễn dịch. Ăn qua ống thường được sử dụng để nâng sức khỏe cho phẫu thuật hoặc khi các thuốc khác không kiểm soát được triệu chứng.
3.4. Phẫu thuật
Nếu chế độ ăn uống và thay đổi lối sống, thuốc trị liệu hoặc phương pháp điều trị khác không làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng, có thể cân nhắc phẫu thuật để loại bỏ một phần đường tiêu hóa bị tổn thương nặng hay để đóng đường dò hoặc loại bỏ các mô sẹo.
Trong bệnh Crohn, phẫu thuật có thể giúp thuyên giảm tốt nhất. Ít nhất nó có thể cải thiện tạm thời các triệu chứng. Phẫu thuật để loại bỏ một phần đường tiêu hóa bị tổn thương nặng và nối lại các phần ruột khỏe mạnh. Thêm vào đó, phẫu thuật cũng có thể được áp dụng để đóng đường dò và áp xe hoặc là sửa hẹp, mở rộng đoạn ruột non đã trở nên quá hẹp.
Mặc dù vậy, những lợi ích của phẫu thuật ở bệnh Crohn chỉ là tạm thời. Bệnh thường tái phát ở nơi khác của đường tiêu hóa. Gần 3/4 người mắc bệnh Crohn cuối cùng cần một số loại hình phẫu thuật. Có khoảng một nửa số người đã phẫu thuật sẽ cần phẫu thuật lần thứ hai, hoặc nhiều hơn. Cách tiếp cận tốt nhất là phẫu thuật tiếp theo với thuốc để giảm thiểu nguy cơ tái phát.
3.5. Chế độ ăn uống
Không có bằng chứng vững chắc rằng thức ăn thực sự gây ra bệnh viêm ruột. Nhưng một số loại thực phẩm và đồ uống có thể làm nặng thêm các dấu hiệu và triệu chứng. Có những loại thực phẩm làm cho triệu chứng xấu hơn, cần ghi nhật ký thực phẩm để theo dõi những gì đang ăn uống và tránh những thực phẩm gây ra các triệu chứng xấu.
Tài liệu tham khảo:
5. https://www.dieutri.vn/tieuhoa/benh-crohn