PHÚC MẠC (PERITONEUM)

– Một màng mỏng (phúc mạc) lót mặt trong khoang bụng và che phủ hầu hết các tạng. Phúc mạc thành (parietal peritoneum) lót mặt trong thành bụng và phúc mạc tạng (visceral peritoneum) che phủ các tạng. Giữa phúc mạc thành và phúc mạc tạng là khoang phúc mạc (peritoneal cavity). Các tạng trong ổ bụng được giữ trong khoang phúc mạc bởi các nếp phúc mạc (folds of peritoneum) (mạc treo (mesentery)) hoặc bên ngoài khoang phúc mạc. Các cơ quan được giữ trong khoang phúc mạc được gọi là các cơ quan trong phúc mạc (intraperitoneum) (Hình 4.53); các cơ quan bên ngoài khoang phúc mạc với chỉ một mặt hoặc một phần của một mặt được che phủ bởi phúc mạc, là các cơ quan sau phúc mạc.

– Chi phối thần kinh của phúc mạc:

Phúc mạc thành cùng với thành bụng được chi phối thần kinh bởi các sợi hướng tâm thuộc các nhánh của dây thần kinh gai sống và vì thế nhạy cảm với các kích thích đau có thể xác định được vị trí (khác với phúc mạc tạng). Phúc mạc tạng được chi phối bởi các sợi hướng tâm thuộc tạng đi kèm theo các dây thần kinh thực vật (giao cảm và phó giao cảm) về hệ thần kinh trung ương. Kích thích các dây này có thể gây ra đau quy chiếu, cảm giác khó chịu khó xác định vị trí và các phản xạ hoạt động vận động ở tạng.

KHOANG PHÚC MẠC (PERITONEUM CAVITY)

Khoang phúc mạc được chia ra thành túi phúc mạc lớn (greater sac) và túi mạc nối (omental bursa) (túi phúc mạc bé (lesser sac)) (Hình 4.54).

– Túi phúc mạc lớn chiếm hầu hết khoang phúc mạc, bắt đầu ở phía trên từ cơ hoành  và liên tục xuống dưới vào khoang chậu (pelvic cavity). Một khi phúc mạc thành được xuyên qua sẽ gặp túi phúc mạc lớn.

– Túi mạc nối là phần nhỏ hơn của khoang phúc mạc ngay sau dạ dày, gan và liên tục với túi phúc mạc lớn qua một lỗ là lỗ mạc nối (omental foramen) (Hình 4.55).

Xung quanh lỗ mạc nối gồm nhiều cấu trúc che phủ bởi phúc mạc. Chúng bao gồm tĩnh mạch cửa (portal vein), động mạch gan riêng (hepatic artery proper) và ống mật chủ (bile duct) ở phía trước; tĩnh mạch chủ dưới ở phía sau; thùy đuôi của gan ở phía trên; và phần đầu tiên của tá tràng ở phía dưới.

– Mạc nối (omenta), mạc treo (mesenteries) và dây chằng (ligaments)

Trong toàn bộ khoang phúc mạc có nhiều nếp phúc mạc nối các cơ quan với nhau hoặc với thành bụng. Những nếp này (mạc nối, mạc treo, dây chằng) phát triển từ các mạc treo bụng và lưng, giúp giữ ống tiêu hóa đang phát triển trong thời kì phôi thai. Một vài chứa các mạch máu và thần kinh chi phối tạng, trong khi những cấu trúc khác giúp giữ tạng ở một vị trí thích hợp.

– Mạc nối

Mạc nối bao gồm hai lớp phúc mạc, đi từ dạ dày và phần đầu tiên của tá tràng đến các tạng khác. Bao gồm hai thành phần:

+ Mạc nối lớn, nguồn gốc từ mạc treo lưng

+ Mạc nối bé, nguồn gốc từ mạc treo bụng

Mạc nối lớn là một tấm phúc mạc rộng bám vào đường cong lớn của dạ dày và phần đầu tiên của tá tràng (Hình 4.59). Chúng phủ xuống dưới qua đại tràng ngang, hỗng tràng và hồi tràng (Hình 4.54). Đi lên về phía sau, chúng liên quan với, dính với phúc mạc mặt trên của đại tràng ngang và lớp trước của mạc treo đại tràng ngang trước khi đến thành bụng sau.

Thường là một màng mỏng, mạc nối lớn luôn luôn chưa lượng mỡ, có thể là chỗ chứa mỡ ở nhiều người. Thêm vào đó, có hai động mạch và tĩnh mạch kèm theo, mạch máu vị-mạc nối phải và trái, giữa hai lớp phúc mạc ngay dưới đường cong lớn của dạ dày.

Mạc nối nhỏ  gồm hai lớp phúc mạc (Hình 4.60). Mở ra từ đường cong nhỏ của dạ dày và phần đầu tiên của tá tràng đến mặt dưới gan (Hình 4.54 và 4.60).

Một màng mỏng liên tục với phúc mạc mặt trước và sau của dạ dày và phần đầu tiên của tá tràng, mạc nối nhỏ được chia thành:

– Dây chằng vị gan ở trong, nối giữa dạ dày và gan

– Dây chằng gan tá tràng ở ngoài, nối giữa tá tràng và gan.

Dây chằng gan tá tràng tận cùng phía ngoài như một bờ tự do và đóng vai trò như bờ trước của lỗ mạc nối (Hình 4.55). Bên trong đầu tự do này là động mạch gan riêng, ống mật chủ và tĩnh mạch cửa. Thêm vào đó, các mạch máu vị phải và vị trái nằm giữa các lớp của mạc nối nhỏ gần bờ cong nhỏ của dạ dày.

– Mạc treo

Mạc treo là tấm phúc mạc giúp giữ tạng vào thành bụng sau. Chúng cho phép tạng chuyển động được và là nơi để mạch máu, thần kinh và bạch huyết đến tạng, bao gồm:

+ Mạc treo ruột non là tấm phúc mạc hai lớp, lớn, hình cánh quạt nối hỗng tràng và hồi tràng với thành bụng sau (Hình 4.61). Phần trên của nó dính ở chỗ nối tá hỗng tràng, ngay bên trái phần lưng trên của cột sống. Nó đi chéo xuống dưới và sang bên phải, kết thúc ở chỗ nối hồi manh tràng gần bờ trên của khớp cùng chậu bên phải. Trong lớp mỡ giữa hai lớp phúc mạc của mạc treo là động mạch, tĩnh mạch, thần kinh và mạch bạch huyết cung cấp cho hỗng tràng và hồi tràng.

+ Mạc treo kết tràng ngang là một tấm phúc mạc nối kết tràng ngang với thành bụng sau (Hình 4.61). Hai lớp phúc mạc của nó rời thành bụng sau đi qua mặt trước của đầu và thân tụy, đi bên ngoài và bao phủ quanh kết tràng ngang. Giữa các lớp của mạc treo là động mạch, tĩnh mạch, thần kinh và mạch bạch huyết của kết tràng ngang. Lớp trước của mạc treo kết tràng ngang dính với lá sau của mạc nối lớn.

+ Mạc treo kết tràng sigma

Mạc treo kết tràng sigma là một tấm phúc mạc có hình chữ V ngược, nối kết tràng sigma vào thành bụng  (Hình 4.61). Đỉnh của chữ V gần chỗ tách của động mạch chậu chung trái thành nhánh trong và nhánh ngoài, nhánh trái của chữ V dọc theo bờ trong của cơ thắt lưng lớn và nhánh phải của chữ V đi xuống vào trong vùng chậu và kết thúc ở đốt sống cùng 3. Mạch máu sigma và trực tràng trên cùng với thần kinh và bạch huyết liên quan đến đại tràng sigma đi qua tấm phúc mạc này.

– Dây chằng

Dây chằng của phúc mạc bao gồm hai lớp phúc mạc mà nối hai cơ quan với nhau hoặc nối cơ quan với thành cơ thể và có thể hình thành nên một phần của mạc nối. Chúng thường được đặt tên theo tên cơ quan mà chúng nối.

Ví dụ, dây chằng lách thận nối thận trái với lách và dây chằng vị hoành nối dạ dày với cơ hoành.