– Suy thận cấp tại thận:
Nguyên nhân thường gặp nhất gây ra suy thận cấp tại thận là nhiễm trùng (sepsis), thiếu máu (ischemia) và nhiễm độc thận (nephrotoxins), cả nguyên nhân nội sinh (endogenous) và ngoại sinh (exogenous) (Hình 304-3). Trong nhiều trường hợp, tăng nitrogen máu trước thận tiến triển đến tổn thương ống thận. Mặc dù theo cách gọi kinh điển, chúng được gọi là “hoại tử ống thận cấp tính” (acute tubular necrosis), nhưng khi xác nhận hoại tử ống thận nhờ sinh thiết trên cơ thể người thì nhìn chung nó không xuất hiện trong trường hợp nhiễm trùng và thiếu máu; trong thực tế, các quá trình như viêm, chết theo chương trình tế bào (apoptosis) và thay đổi tưới máu vùng (altered regional perfusion) có thể là những yếu tố đóng góp quan trọng về mặt sinh lí bệnh. ATN cũng thường được chẩn đoán trên lâm sàng mà không có sự sinh thiết để xác nhận trong những trường hợp như nhiễm trùng với nhiều các chẩn đoán khả dĩ có thể thay thế, bao gồm viêm thận kẽ do thuốc (drug-induced interstitial nephritis) và viêm thận cầu thận do phức hợp miễn dịch (immune complex glomerulonephritis). Những nguyên nhân này và những nguyên nhân khác của suy thận cấp (AKI) được xem là ít gặp và có thể khái quát về mặt giải phẫu theo những vị trí chính yếu của tổn thương nhu mô thận: cầu thận (glomeruli), ống thận-kẽ thận (tubulointerstitium) và các mạch máu (vessels).
+ Suy thận cấp liên quan đến nhiễm trùng:
Tại Hoa Kì, trên 1000000 trường hợp nhiễm trùng xảy ra mỗi năm. Các biến chứng suy thận cấp (AKI) xuất hiện ở trên 50% trường hợp nhiễm trùng nặng và làm tăng nguy cơ tử vong lên rất cao. Nhiễm trùng cũng là một nguyên nhân rất quan trọng gây ra suy thận cấp ở các quốc gia đang phát triển. Sự giảm của mức lọc cầu thận cùng với nhiễm khuẩn thậm chí có thể xảy ra trong trường hợp không có tụt huyết áp rõ ràng mặc dù hầu hết các trường hợp gây ra suy thận cấp nặng thường xảy ra trong trường hợp rối loạn huyết động và trụy tuần hoàn (hemodynamic collapse, hemodynamic instability and circulation collapse) cần hỗ trợ vận mạch. Trong khi có tổn thương ống thận một cách rõ ràng liên quan đến suy thận cấp trong trường hợp nhiễm khuẩn như biểu hiện bởi sự xuất hiện của xác tế bào ống thận và trụ tế bào ống thận ở trong nước tiểu, các khám nghiệm trên thận ở những bệnh nhân nhiễm trùng nặng sau khi chết cho thấy là những yếu tố khác, có thể liên quan đến viêm, rối loạn chức năng ty thể và phù kẽ cũng phải được xem xét trong sinh lí bệnh của suy thận cấp do nhiễm trùng.
Các ảnh hưởng lên huyết động của nhiễm trùng – xuất phát từ sự giãn động mạch lan tỏa, được tạo ra một phần nào đó bởi các cytokines làm tăng cường điều hòa sự tổng hợp NO trong hệ thống mạch máu – điều này có thể dẫn đến giảm mức lọc cầu thận (GFR). Các cơ chế điều hòa có thể làm giãn quá mức các tiểu động mạch đi, đặc biệt là giai đoạn đầu của nhiễm khuẩn hoặc co mạch máu thận nhờ hoạt hóa hệ thống thần kinh giao cảm, hệ thống renin – angiotensin – aldosterone, vasopressin và endothelin. Nhiễm trùng có thể dẫn đến sự phá hủy nội mô mao mạch, làm tăng kết tập và dịch chuyển bạch cầu ở các vi mạch, tăng hình thành huyết khối (thrombosis), tăng tính thấm (permeability), tăng áp lực kẽ (interstitial pressure), giảm lưu lượng máu tại chỗ đến ống thận và hoạt hóa các gốc oxygen phản ứng (reactive oxygen species), tất cả điều này có thể làm tổn thương các tế bào ống thận.