
Khi ion natri được vận chuyển ra bên ngoài tế bào bởi cơ chế vận chuyển tích cực nguyên phát, tạo ra một gradient nồng độ lớn của natri qua màng tế bào, với nồng độ lớn ở ngoài màng và nồng độ thấp ở trong màng tế bào. Gradient nồng độ này có vai trò như một nguồn năng lượng bởi vì lượng natri lớn ở ngoài màng tế bào luôn luôn có khuynh hướng khuếch tán vào bên trong, dưới điều kiện thích hợp, năng lượng khuếch tán này của ion natri có thể kéo những chất khác theo nó qua màng tế bào. Hiện tượng này gọi là đồng vận chuyển, một dạng của vận chuyển tích cực thứ phát.
Đối với việc natri kéo theo một chất khác cùng với nó, một cơ chế đồng thời vận chuyển cả hai chất thì rất cần thiết, điều này đạt được bởi một protein mang khác trên màng tế bào. Chất mang trong trường hợp này đóng vai trò như một điểm bám cho cả ion natri và chất đồng vận chuyển. Một khi chúng đều liên kết vào chất mang, năng lượng nhờ vào chênh lệch nồng độ của natri làm cho cả ion natri và chất chất đồng vận chuyển cùng được vận chuyển vào trong tế bào.

Trong đối vận chuyển, ion natri một lần nữa cũng khuếch tán vào trong tế bào do chênh lệch nồng độ lớn của nó. Tuy nhiên, lúc này, chất được vận chuyển bên trong tế bào và phải được vận chuyển ra bên ngoài tế bào. Vì thế, ion natri liên kết với protein mang phần nằm bên ngoài tế bào, trong khi chất được đối vận chuyển liên kết với phần bên trong tế bào. Một khi cả hai liên kết với chất mang, một sự thay đổi về cấu trúc xảy ra và năng lượng giải phóng bởi sự di chuyển của natri vào bên trong tế bào làm chất còn lại di chuyển ra ngoài tế bào.
