
ĐỒNG VẬN CHUYỂN GLUCOSE VÀ AMINO ACIDS CÙNG VỚI ION NATRI
Glucose và nhiều amino acids được vận chuyển vào hầu hết các tế bào chống lại sự chênh lệch nồng độ lớn; cơ chế của quá trình này hoàn toàn là đồng vận chuyển như trong hình 4-13.

Chú ý rằng protein mang có hai vị trí gắn ở phía bên ngoài tế bào của chất mang, một cho natri và một cho glucose. Hơn nữa, nồng độ natri bên ngoài tế bào cao và thấp ở bên trong tế bào, điều này cung cấp năng lượng cho quá trình vận chuyển. Một thuộc tính đặc biệt của proteins vận chuyển là sự thay đổi về hình dạng để cho sự di chuyển của ion natri vào bên trong tế bào sẽ không xảy ra cho đến khi glucose và natri cùng liên kết vào vị trí. Khi cả hai đã liên kết vào đúng vị trí, sự thay đổi về hình dạng diễn ra và ion natri và glucose được vận chuyển vào bên trong tế bào cùng một lúc. Vì thế, đây là cơ chế đồng vận chuyển natri-glucose. Cơ chế đồng vận chuyển natri-glucose cực kì quan trọng trong vận chuyển glucose qua tế bào biểu mô ở thận và ruột, sẽ bàn luận ở chương 28 và 66.
Đồng vận chuyển của amino acids và natri xảy ra theo cơ chế tương tự như đối với glucose, trừ việc chúng sẽ dùng một bộ proteins chất mang khác. Ít nhất 5 protein vận chuyển amino acids được xác định, mỗi trong số chúng vận chuyển một số ít amino acids với đặc trưng về phân tử.
Đồng vận chuyển natri và glucose hoặc amino acids xảy ra một cách đặc trưng qua các tế bào biểu mô của ruột và ống thận ở thận để tăng cường hấp thu những chất này vào trong máu. Quá trình này sẽ được bàn luận trong chương sau.
Những cơ chế đồng vận chuyển quan trọng khác trong một vài tế bào bao gồm đồng vận chuyển clo, iod, sắt và ion urate.
ĐỐI VẬN CHUYỂN CỦA NATRI CÙNG VỚI ION CANXI VÀ HYDRO
Hai cơ chế đối vận chuyển cực kì quan trọng (vận chuyển hướng ngược lại với ion ban đầu) là đối vận chuyển natri-canxi và đối vận chuyển natri-hydro (Hình 4-14).

Đối vận chuyển ion natri-canxi xảy ra qua toàn bộ hoặc hầu hết tất cả màng tế bào, với ion natri di chuyển vào bên trong tế bào và ion canxi di chuyển ra bên ngoại tế bào; cả hai đều liên kết với cùng một protein theo cơ chế đối vận chuyển. Cơ chế này bổ sung vào cơ chế vận chuyển tích cực nguyên phát canxi xảy ra trong một vài tế bào.
Đối vận chuyển natri-hydro xảy ra ở một vài mô. Ví dụ đặc biệt quan trọng là ống lượn gần của thận, nơi mà ion natri di chuyển từ lòng ống vào trong tế bào ống thận trong khi ion hydro vận chuyển ngược lại vào lòng ống. Đây là một cơ chế làm tăng nồng độ ion hydro, nhưng đối vận chuyển thì không mạnh mẽ như vận chuyển tích cực nguyên phát ion hydro xảy ra tại ống lượn xa, nhưng nó có thể vận chuyển lượng ion hydro cực kì lớn, vì vậy nó là một cơ chế quan trọng trong kiểm soát ion hydro trong dịch cơ thể, như bàn luận ở chương 31.