NHỮNG ĐẶC ĐIỂM QUAN TRỌNG:

– CỘT SỐNG DÀI VÀ TỦY SỐNG NGẮN

Trong suốt quá trình phát triển, cột sống phát triển nhanh hơn nhiều so với tủy sống. Kết quả là tủy sống không chiếm hết chiều dài của ống sống (Hình 2.11).

Ở người trưởng thành, tủy sống thường kết thúc ở khoảng giữa đốt sống thắt lưng I và II, mặc dù nó có thể kết thúc ở đoạn cao hơn như đốt sống ngực XII và cũng như ngang mức đĩa gian đốt sống thắt lưng II và III.

Các dây thần kinh gai sống bắt nguồn từ tủy sống bởi một góc nhọn dần từ CI đến Co và rễ dây thần kinh đi trong ống sống cũng dài dần. Vì thế, mức tủy sống của các dây thần kinh gai sống càng xa mức dây thần kinh gai sống đi ra. Điều này cực kì rõ ràng ở mức tủy thắt lưng và tủy cùng.

– LỖ GIAN ĐỐT SỐNG VÀ CÁC DÂY THẦN KINH GAI SỐNG:

Mỗi dây thần kinh gai sống thoát ra khỏi ống sống ở bên qua lỗ gian đốt sống (Hình 2.12). Lỗ được hình thành nhờ 2 cung đốt sống của xương đốt sống kế cận và có liên quan gần với khớp gian đốt sống:

– Bờ trên và bờ dưới được hình thành nhờ khuyết của các xương đốt sống kế cận.

– Bờ sau được hình thành bởi mỏm khớp của các cung đốt sống và khớp của xương đốt sống lân cận.

– Bờ trước được hình thành bởi đĩa gian đốt sống giữa thân đốt sống của các xương đốt sống kế cận.

Bất kì bệnh lí nào chèn vào hay làm giảm kích thước lỗ gian đốt sống, như mất xương, thoát vị đĩa gian đốt sống hay thoát vị khớp gian mỏm đốt sống (khớp giữa hai mỏm khớp đốt sống) có thể ảnh hưởng đến chức năng của dây thần kinh gai sống liên quan.

– CHI PHỐI THẦN KINH CỦA VÙNG LƯNG

Nhánh sau của dây thần kinh gai sống chi phối các cơ nội tại vùng lưng và vùng da lân cận. Phân bố ở da của những nhánh sau này mở rộng đến vùng mông của chi dưới và phía sau đầu. Các phần đốt bì được chi phối bởi nhánh sau của dây thần kinh gai sống được thể hiện trong hình 2.13.