
ỐNG BẸN
Ống bẹn là một khe hở, mở theo hướng xuống dưới và vào trong, ngay trên và song song với nửa dưới của dây chằng bẹn. Nó bắt đầu từ lỗ bẹn sâu và tiếp tục khoảng 4 cm, kết thúc ở lỗ bẹn nông (Hình 4.42). Thành phần của ống bẹn là nhánh sinh dục của thần kinh sinh dục đùi, thừng tinh ở nam giới và dây chằng tròn của tử cung ở nữ giới. Thêm vào đó, ở cả 2 giới, thần kinh chậu bẹn đi qua một phần của ống bẹn, thoát qua lỗ bẹn nông với những thành phần khác.

– Lỗ bẹn sâu:
Lỗ bẹn sâu (lỗ bẹn trong) là nơi bắt đầu của ống bẹn và nằm ở điểm giữa gai chậu trước trên và khớp vệ (Hình 4.43). Nó nằm ngay trên dây chằng bẹn và ngay ngoài các mạch máu thượng vị dưới. Mặc dù đôi khi được nhắc đến như một khuyết hay một lỗ của mạc ngang, nhưng nó thực sự là lỗ mở tại vị trí lồi ra dạng ống của mạc ngang, hình thành nên một trong những thành phần che phủ của thừng tinh (mạc thừng tinh trong) ở nam giới hoặc dây chằng tròn ở nữ giới.

– Lỗ bẹn nông:
Lỗ bẹn nông (lỗ bẹn ngoài) là kết thúc của ống bẹn và phí trên củ mu (Hình 4.44). Nó là một lỗ hình tam giác trong cân cơ chéo ngoài, với đỉnh hướng về phía trên ngoài và đáy hình thành bởi mào mu. Hai cạnh còn lại của tam giác (trụ trong và trụ ngoài) tương ứng bám vào khớp vệ và củ mu. Ở đỉnh của tam giác, hai trụ được nối lại với nhau bởi các sợi, giúp ngăn cản sự giãn rộng ra của lỗ bẹn nông.

Giống như lỗ bẹn sâu, lỗ bẹn nông thực sự là vị trí lồi ra dạng ống của cân cơ chéo ngoài trên các cấu trúc đi qua ống bẹn và đi ra từ lỗ bẹn nông. Sự liên tục này của mô qua thừng tinh là mạc thừng tinh ngoài.
– Thành trước:
Thành trước của ống bẹn được hình thành dọc theo toàn bộ chiều dài của nó bởi cân cơ chéo ngoài (Hình 4.44). Nó cũng được tăng cường bên ngoài bởi các sợi dưới của cơ chéo trong xuất phát từ 2/3 ngoài của dây chằng bẹn (Hình 4.45). Sự tăng cường này che qua lỗ bẹn sâu, thành phần được xem như là một điểm yếu ở thành bụng trước. Hơn thế nữa, khi cơ chéo trong hỗ trợ cho lỗ bẹn sâu, nó cũng tạo ra một lớp (mạc cơ bìu chứa cơ bìu) để phủ các cấu trúc đi qua ống bẹn.


– Thành sau:
Thành sau của ống bẹn được hình thành dọc theo toàn bộ chiều dài bởi mạc ngang (Hình 4.43).
Nó được tăng cường ở 1/3 trong của nó bởi gân kết hợp (liềm bẹn; Hình 4.45). Gân này là sự bám kết hợp giữa cơ ngang bụng và cơ chéo trong vào mào mu và đường lược.
Giống như với sự tăng cường của cơ chéo trong của vùng lỗ bẹn sâu, vị trí của gân kết hợp phía sau lỗ bẹn nông tạo ra thêm sự hỗ trợ cho điểm yếu của thành bụng trước.
– Mái:
Mái (thành trên) của ống bẹn được hình thành bởi các sợi cung của cơ ngang bụng và cơ chéo trong (Hình 4.45 và 4.46). Chúng đi từ điểm bên ngoài của chúng ở gốc dây chằng bẹn đến chỗ bám chung bên trong của gân kết hợp.
– Sàn:
Sàn (thành dưới) của ống bẹn được hình thành bởi ½ trong của dây chằng bẹn. Phần bờ tự do bện lại bên dưới của phần thấp nhất cân cơ chéo ngoài hình thành nên một rãnh mà trên đó các thành phần của ống bẹn nằm lên. Dây chằng khuyết tăng cường hầu hết phần trong của rãnh này.