
CÁC BẠN TẢI SÁCH GIẢI PHẪU CHO SINH NỔI TIẾNG VÀ PHẦN DỊCH CỦA MÌNH Ở ĐÂY NHA: https://tailieuykhoamienphi.com/dong-mach-cap-mau-cua-cac-tang-o-bung/
ĐỘNG MẠCH CẤP MÁU
Động mạch chủ bụng (abdominal aorta) bắt đầu ở lỗ động mạch chủ của cơ hoành, phía trước bờ dưới của đốt sống TXII (Hình 4.121). Nó đi xuống qua ổ bụng, phía trước các thân đốt sống và vào thời điểm nó kết thúc ở mức đốt sống LIV thì nó hơi bên trái đường giữa. Các nhánh tận của động mạch chủ bụng là 2 động mạch chậu chung (common iliac arteries).

– Các nhánh trước của động mạch chủ bụng:
Động mạch chủ bụng có các nhánh trước, bên và sau khi nó đi qua ổ bụng. Có 3 nhánh trước cấp máu cho các tạng tiêu hóa: động mạch thân tạng (celiac trunk artery), động mạch mạc treo tràng trên (superior mesenteric artery) và động mạch mạc treo tràng dưới (inferior mesenteric artery) (Hình 4.121).
Ruột nguyên thủy có thể được chia thành ruột trước, ruột giữa và ruột sau. Ranh giới của những vùng này liên quan trực tiếp đến các vùng phân bố của 3 nhánh trước của động mạch chủ bụng (Hình 4.122).

+ Ruột trước bắt đầu với thực quản đoạn bụng và kết thúc ngay dưới nhú tá lớn (major duodenal papilla) của tá tràng, ngay chính giữa ngang qua phần xuống của tá tràng. Phần này bao gồm: thực quản đoạn bụng, dạ dày, tá tràng (phần trên nhú tá lớn), gan, tụy và túi mật. Lách cũng phát triển trong mối liên hệ với vùng ruột trước. Ruột trước được cấp máu bởi thân tạng.
+ Ruột giữa bắt đầu ngay dưới nhú tá lớn, trong phần xuống của tá tràng và kết thúc tại chỗ nối giữa 2/3 gần và 1/3 xa của kết tràng ngang. Phần này bao gồm tá tràng (phần dưới nhú tá lớn), hỗng tràng, hồi tràng, manh tràng, ruột thừa, kết tràng lên và 2/3 phải của kết tràng ngang. Ruột giữa được cấp máu bởi động mạch mạc treo tràng trên (Hình 4.122).
+ Ruột sau bắt đầu ngay trước góc kết tràng trái (chỗ nối giữa 2/3 gần và 1/3 xa của kết tràng ngang) và kết thúc ở đường ngang qua giữa ống hậu môn (anal canal). Phần này bao gồm 1/3 trái của kết tràng ngang, kết tràng xuống, kết tràng sigma, trực tràng và phần trên của ống hậu môn. Ruột sau được cấp máu bởi động mạch mạc treo tràng dưới (Hình 4.122).
+ Thân tạng:
Thân tạng là một nhánh trước của động mạch chủ bụng cấp máu cho ruột trước. Nó xuất phát từ động mạch chủ bụng ngay dưới lỗ động mạch chủ của cơ hoành (Hình 4.123), trước phần trên đốt sống LI. Nó ngay lập tức chia thành các động mạch vị trái, lách và gan chung.

Động mạch vị trái là nhánh nhỏ nhất của thân tạng. Nó đi lên đến chỗ nối tâm vị thực quản (cardioesophagus junction) và cho các nhánh thực quản lên đến phần bụng của thực quản (Hình 4.123). Một vài trong các nhánh này tiếp tục qua lỗ thực quản của cơ hoành và thông nối với các nhánh thực quản từ động mạch chủ ngực. Động mạch vị trái sau đó đi sang bên phải và xuống dưới dọc theo bờ cong nhỏ dạ dày trong mạc nối nhỏ (lesser omentum). Nó cấp máu cho bề mạt dạ dày trong vùng này và thông nối với động mạch vị phải.
Động mạch lách, là nhánh lớn nhất của thân tạng, nó đi một chặng ngoằn ngoèo sang bên trái dọc theo bờ trên của tụy (Hình 4.123). Nó đi trong dây chằng thận lách và chia thành nhiều nhánh, mà các nhánh này đi vào rốn lách. Khi động mạch lách đi dọc theo bờ trên tụy, nó cho nhiều nhánh nhỏ để cấp máu cho cổ, thân và đuôi tụy (Hình 4.124).

Tiệm cận đến lách , động mạch lách cho ra các động mạch vị ngắn (short gastric arteries), đi qua dây chằng vị lách để cấp máu cho đáy dạ dày. Nó cũng cho động mạch vị – mạc nối trái (left gastro-omental artery), đi sang bên phải dọc theo đường cong lớn của dạ dày và thông nối với động mạch vị mạc nối phải (right gastro-omental artery).
Động mạch gan chung là một nhánh có kích thước trung bình của thân tạng đi sang bên phải và chia thành 2 nhánh tận của nó là động mạch gan riêng (proper hepatic artery) và động mạch vị tá tràng (gastroduodenal artery) (Hình 4.123 và 4.124).
Động mạch gan riêng đi lên về phía gan trong bờ tự do của mạc nối nhỏ. Nó đi bên trái của ống mật chủ (bile duct) và phía trước tĩnh mạch cửa (portal vein) và chia thành các động mạch gan phải và trái (right và left hepatic artery) gần cửa gan (porta hepatis) (Hình 4.125). Khi động mạch gan phải đến gần gan thì nó cho một động mạch túi mật (cystic artery) đến túi mật (gallbladder).

Động mạch vị phải thường bắt nguồn từ động mạch gan riêng nhưng cũng có thể bắt nguồn từ động mạch gan chung hoặc từ động mạch gan trái, động mạch vị tá tràng hay động mạch tá tràng trên. Nó đi sang bên trái và đi lên dọc theo bờ cong nhỏ của dạ dày trong mạc nối nhỏ, cấp máu cho các khu vực lân cận của dạ dày và thông nối với động mạch vị trái.
Động mạch vị tá tràng có thể cho động mạch tá tràng trên (supraduodenal artery) và cho nhánh động mạch tụy – tá tràng sau trên (posterior superior pancreaticoduodenal artery) gần bờ trên của phần trên tá tràng. Sau những nhánh này, động mạch vị tá tràng tiếp tục đi xuống sau phần trên tá tràng. Đến bờ dưới của phần trên tá tràng, động mạch vị tá tràng chia thành các nhánh tận của nó, là động mạch vị mạc nối phải và động mạch tụy tá tràng trước trên (anterior superior pancreaticoduodenal artery) (Hình 4.124).
Động mạch vị mạc nối phải đi sang bên trái, dọc theo bờ cong lớn của dạ dày, cuối cùng thông nối với động mạch vị trá tràng trái từ động mạch lách. Động mạch vị mạc nối phải cho các nhánh đến bề mặt dạ dày và các nhánh khác đi xuống vào mạc nối lớn (greater omentum).
Động mạch tụy tá tràng trước trên đi xuống và cùng với động mạch tụy tá tràng sau trên chi phối cho đầu tụy và tá tràng (Hình 4.124). Những mạch máu này cuối cùng thông nối với các nhánh trước và sau của động mạch tụy tá tràng dưới (inferior pancreaticoduodenal artery).
+ Động mạch mạc treo tràng trên: là nhánh trước của động mạch chủ bụng cấp máu cho ruột giữa. Nó xuất phát từ động mạch chủ bụng ngay dưới thân tạng (Hình 4.126), phía trước phần dưới đốt sống LI.

Động mạch mạc treo tràng trên bị bắt chéo qua phía trước bởi tĩnh mạch lách và cổ tụy. Phía sau động mạch là tĩnh mạch thận trái, mỏm móc của tụy và phần dưới của tá tá tràng. Sau khi cho nhánh đầu tiên của nó (động mạch tụy tá tràng dưới), thì động mạch mạc treo tràng trên cho các động mạch hỗng tràng (jejunal artery) và động mạch hồi tràng (ileal artery) phía bên trái của nó (Hình 4.126). Phần nhánh từ bên phải của thân chính động mạch mạc treo tràng trên là 3 mạch máu – các động mạch kết tràng giữa (middle colic artery), kết tràng phải (right colic artery) và động mạch hồi kết tràng (ileocolic artery) – chúng cấp máu cho vùng tận cùng của hồi tràng, manh tràng, kết tràng lên và 2/3 kết tràng ngang.
Động mạch tụy tá tràng dưới là nhánh đầu tiên của động mạch mạc treo tràng trên. Nó ngay lập tức chia thành các nhánh trước và sau, sau đó đi lên tương ứng theo các mặt của đầu tụy. Phía trên, những động mạch này thông nối với các động mạch tụy tá tràng sau trên và trước trên (xem hình 4.125 và 4.126). Hệ thống động mạch này cấp máu cho đầu tụy, mỏm móc của tụy và tá tràng.
Các động mạch hỗng tràng và hồi tràng, sau khi cho nhánh đầu tiên, động mạch mạc treo tràng trên cho một số nhánh khác. Xuất phát từ bên trái là một lượng lớn các động mạch hỗng tràng và hồi tràng cấp máu cho hỗng tràng và hầu hết hồi tràng (Hình 4.127). Những nhánh này xuất phát từ thân chính của động mạch, đi giữa 2 lớp của mạc treo ruột và hình thành các thông nối dạng cung hay vòm khi chúng đi ra ngoài cấp máu cho ruột non. Số lượng các cung động mạch tăng lên khi ở đoạn ruột càng xa.

Có thể có 1 sau đó là 2 cung trong vùng của hỗng tràng, với sự tiếp tục tăng lên về số lượng cung khi đi vào và qua các khu vực của hồi tràng. Mở từ các cung tận cùng là động mạch thẳng (vasa recta), là thành phần mạch máu trực tiếp cuối cùng cấp máu cho thành ruột non. Động mạch thẳng cấp máu cho hỗng tràng thường dài và gần nhau, hình thành nên cửa sổ hẹp có thể nhìn thấy trong mạc treo ruột. Động mạch thẳng cấp máu cho hồi tràng thường ngắn và xa nhau, hình thành nên những cửa sổ rộng và thấp.
Động mạch kết tràng giữa là nhánh đầu tiên trong 3 nhánh xuất phát từ bên phải của thân chính động mạch mạc treo tràng trên (Hình 4.127). Đi từ động mạch mạc treo tràng trên, xuất phát từ bên dưới tụy, động mạch kết tràng giữa đi vào mạc treo kết tràng ngang (transvere mesoclon) và chia thành các nhánh trái và phải. Nhánh phải thông nối với động mạch kết tràng phải trong khi nhánh trái thông nối với động mạch kết tràng trái, đó là một nhánh của động mạch mạc treo tràng dưới.
Động mạch kết tràng phải tiếp tục dọc theo thân chính động mạch mạc treo tràng trên, động mạch kết tràng phải là nhánh thứ 2 trong 3 nhánh xuất phát từ bên phải của thân chính động mạch mạc treo tràng trên (Hình 4.126). Nó là một nhánh khác biệt và đi sang bên phải ở sau phúc mạc để cấp máu cho kết tràng lên. Đến gần kết tràng , nó chia ra nhánh xuống , thông nối với động mạch hồi kết tràng và một nhánh lên, để thông nối với động mạch kết tràng giữa.
Động mạch hồi kết tràng là nhánh cuối cùng xuất phát từ bên phải của động mạch mạc treo tràng trên (Hình 4.127). Động mạch này đi xuống dưới và sang bên phải về phía hố chậu phải nơi chúng chia thành các nhánh trên và dưới:
Nhánh trên đi lên trên dọc theo kết tràng lên đến thông nối với động mạch kết tràng phải.
Nhánh dưới tiếp tục đi về phía chỗ nối hồi kết tràng và chia thành các nhánh kết tràng, manh tràng, ruột thừa và hồi tràng (Hình 4.127).
Các dấu hiệu riêng về sự phân bố và nguồn gốc của những nhánh này thì rất thay đổi:
Nhánh kết tràng đi đến kết tràng lên và đi lên để cấp máu cho phần đầu của kết tràng lên.
Các nhánh manh tràng trước và sau, xuất phát từ một thân chung hoặc các nhánh riêng, cấp máu cho các mặt tương ứng của manh tràng.
Nhánh ruột thừa đi vào bờ tự do và cấp máu cho mạc treo ruột thừa (mesoappendix) và ruột thừa (appendix).
Nhánh hồi tràng đi sang bên trái và đi lên để cấp máu cho phần cuối của hồi tràng trước khi thông nối với động mạch mạc treo tràng trên.
+ Động mạch mạc treo tràng dưới:
Động mạch mạc treo tràng dưới là nhánh trước của động mạch chủ bụng cấp máu cho ruột sau. Nó là nhánh nhỏ nhất trong 3 nhánh của động mạch chủ bụng và xuất phát ở vị trí trước thân đốt sống LIII. Ban đầu, động mạch mạc treo tràng dưới đi xuống ở phía trước so với động mạch chủ và sau đó đi sang bên trái khi tiếp tục đi xuống dưới (Hình 4.128). Các nhánh của nó bao gồm động mạch kết tràng trái, một vài động mạch kết tràng sigma và động mạch trực tràng trên.

Động mạch kết tràng trái là nhánh đầu tiên của động mạch mạc treo tràng trái (Hình 4.128). Nó đi lên sau phúc mạc, chia thành các nhánh lên và xuống:
Các nhánh lên đi phía trước so với thận trái, sau đó đi vào mạc treo kết tràng ngang và đi lên trên để cấp máu cho phần trên của kết tràng xuống và phần xa của kết tràng ngang; nó thông nối với các nhánh của động mạch kết tràng giữa.
Các nhánh xuống đi xuống dưới, cấp máu cho phần dưới của kết tràng xuống và thông nối với động mạch kết tràng sigma đầu tiên.
Các động mạch kết tràng sigma bao gồm 2 đến 4 nhánh, đi xuống sang bên trái, trong mạc treo kết tràng sigma, để cấp máu cho phần thấp nhất của kết tràng xuống và kết tràng sigma (Hình 4.128). Những nhánh này thong nối ở phía trên với các nhánh từ động mạch kết tràng trái và phía dưới với các nhánh từ động mạch trực tràng trên.
Động mạch trực tràng trên là nhánh tận của động mạch mạc treo tràng dưới (Hình 4.128). Mạch máu này đi xuống vào khoang chậu trong mạc treo kết tràng sigma, đi chéo qua động mạch chậu chung trái. Đối diện đốt sống SIII, động mạch trực tràng trên chia nhánh. 2 nhánh tận đi xuống mỗi bên của trực tràng, chia thành các nhánh nhỏ hơn trong thành trực tràng. Những nhánh nhỏ hơn này tiếp tục đi xuống dưới đến mức của cơ thắt trong hậu môn (internal anal sphincter), thông nối dọc theo đường đi với các nhánh từ các động mạch trực tràng giữa (từ động mạch chậu trong) và các động mạch trực tràng dưới (từ động mạch thẹn trong (internal pudendal artery)).