Khi một người nghỉ ngơi, tim bơm máu chỉ 4 đến 6 lít máu mỗi phút. Trong suốt thời kì gắng sức nặng, tim có thể cần phải bơm máu 4 đến 7 lần so với nghỉ ngơi. Phương tiện nền tảng mà thể tích bơm máu của tim được điều hòa là (1) sự điều hòa nội tại của tim để bơm máu đáp ứng với sự thay đổi thể tính máu chảy về tim và (2) kiểm soát nhịp tim và sức bơm máu của tim bởi hệ thống thần kinh tự động.

SỰ ĐIỀU HÒA NỘI TẠI TRONG BƠM MÁU CỦA TIM – CƠ CHẾ FRANK – STARLING

Khả năng nội tại của tim để đáp ứng với sự tăng lên của thể tích dòng máu về tim được gọi là cơ chế Frank – Starling (Frank – Starling mechanism). Về cơ bản, cơ chế này có nghĩa là cơ tim càng căng trong thời kì đổ đầy, thì lực co cơ tim càng lớn và lượng máu được bơm vào động mạch chủ cũng càng lớn. Hoặc phát biểu cách khác: Trong giới hạn sinh lí, tim bơm tất cả máu trở về tim bằng con đường tĩnh mạch.

SỰ KIỂM SOÁT CỦA TIM BỎI CÁC DÂY THẦN KINH GIAO CẢM VÀ PHÓ GIAO CẢM

– Cơ chế kích thích tim bởi các dây thần kinh giao cảm:

Kích thích mạnh giao cảm có thể tăng nhịp tim ở người lớn trưởng thành từ 70 lần/phút lên đến 180 đến 200 và hiếm khi lên 250 lần/phút. Kích thích giao cảm cũng có thể làm tăng lực co cơ tim lên gấp đôi, làm tăng thể tích bơm máu và tăng áp lực tống máu.

Ức chế dây thần kinh giao cảm đến tim có thể làm giảm khả năng bơm máu cơ tim đến một mức độ trung bình. Bình thường, các dây giao cảm luôn phát xung động chậm để duy trì bơm máu khoảng 30% nhiều hơn so với không có kích thích giao cảm. Vì vậy, khi bị ức chế, cả tần số tim và sức co bóp cơ tim giảm, bằng cách đó làm giảm khả năng bơm máu cơ tim 30% dưới mức bình thường.

– Kích thích phó giao cảm làm giảm tần số tim và sức co bóp:

Kích thích mạnh có thể ngưng tim trong vài giây, nhưng sau đó thường thoát khỏi và đập với tần số 20 đến 40 lần/phút khi kích thích phó giao cảm tiếp tục. Thêm vào đó, kích thích mạnh phó giao cảm có thể làm giảm sức co bóp cơ tim xuống 20 đến 30%.

Phân bố các sợi lang thang chủ yếu ở tâm nhĩ và không nhiều ở tâm thất, nơi sự co bóp mạnh của cơ tim diễn ra. Sự phân bố này giải thích tại sao ảnh hưởng của kích thích lang thang chủ yếu làm giảm tần số tim hơn là giảm nhiều sức co bóp cơ tim. Bất kể thế nào, sự giảm mạnh trong tần số tim với sự giảm nhẹ trong co bóp cơ tim có thể làm giảm bơm máu thất 50% hoặc hơn.

ẢNH HƯỞNG CỦA KÍCH THÍCH GIAO CẢM VÀ PHÓ GIAO CẢM TRÊN ĐƯỜNG CONG CHỨC NĂNG CỦA TIM