Cơ hoành là một cấu trúc gân cơ mỏng lấp lỗ ngực dưới và chia khoang ngực với khoang bụng (Hình 3.34). Chúng bám ở xung quanh vào các cấu trúc:

– Mỏm mũi kiếm xương ức

– Bờ sườn của thành ngực

– Các đầu sườn XI và XII

– Các dây chằng băng qua các cấu trúc của thành bụng sau

– Các xương đốt sống vùng thắt lưng.

Từ những chỗ bám ngoại vi này, các sợi cơ hội tụ vào một gân trung tâm. Màng ngoài tim thì bám vào phần giữa của gân trung tâm.

Trên mặt mặt đứng dọc giữa, cơ hoành cong xuống dưới từ chỗ bám ở phía trước của nó từ mỏm mũi kiếm xương ức, gần mức đốt sống TVIII/IX, đến chỗ bám phía sau của chúng vào dây chằng cung giữa, đi phía trước động mạch chủ gần mức đốt sống TXII.

Các cấu trúc đi giữa lồng ngực và ổ bụng đi qua cơ hoành hoặc giữa cơ hoành và chỗ bám ngoại vi của nó:

– Tĩnh mạch chủ dưới đi qua gân trung tâm ở gần mức đốt sống TVIII.

– Thực quản đi qua phần cơ của cơ hoành, ngay bên trái đường giữa, gần mức đốt sống TX.

– Thần kinh lang thang đi qua cơ hoành cùng với thực quản.

– Động mạch chủ đi phía sau chỗ bám của cơ hoành ở ngang mức đốt sống XII.

– Ống ngực đi phía sau cơ hoành cùng với động mạch chủ.

– Tĩnh mạch đơn và tĩnh mạch bán đơn cũng có thể đi qua lỗ động mạch chủ hoặc qua trụ cơ hoành.

Những cấu trúc khác bên ngoài chỗ bám phía sau của cơ hoành, bên ngoài lỗ động mạch chủ bao gồm các thân giao cảm. Các thần kinh tạng lớn, tạng bé, tạng bé nhất xuyên qua trụ cơ hoành.

ĐỘNG MẠCH CẤP MÁU

Động mạch cấp máu cho cơ hoành là từ các mạch máu xuất phát từ phía trên và phía dưới nó (Hình 3.34). Từ phía trên, các động mạch cơ hoành và động mạch hoành – màng ngoài tim cung cấp máu cho cơ hoành. Những mạch máu này là các nhánh của động mạch ngực trong. Các động mạch hoành trên, xuất phát trực tiếp từ phần dưới của động mạch chủ ngực và các nhánh nhỏ từ động mạch gian sườn cũng đóng góp vào cấp máu. Nguồn động mạch cấp máu nhiều nhất cho cơ hoành xuất phát từ bên dưới nó. Những động mạch này là các động mạch hoành dưới, là các nhánh trực tiếp từ động mạch chủ bụng.

DẪN MÁU TĨNH MẠCH

Dẫn máu tĩnh mạch của cơ hoành nhờ các tĩnh mạch đi song sóng với động mạch. Những tĩnh mạch này thoát máu vào:

– Các tĩnh mạch cánh tay – đầu ở cổ

– Hệ thống tĩnh mạch đơn

– Các tĩnh mạch bụng (tĩnh mạch thượng thận trái và tĩnh mạch chủ dưới).

CHI PHỐI THẦN KINH

Cơ hoành được chi phối bởi thần kinh hoành (C3, C4 và C5), xuyên qua cơ hoành và chi phối phần mặt bụng của cơ hoành.

Sự co của vòm hoành làm phẳng cơ hoành, bằng cách này làm tăng thể tích lồng ngực. Các vận động của cơ hoành thì cần thiết cho một quá trình hô hấp bình thường.

CÁC VẬN ĐỘNG CỦA THÀNH NGỰC VÀ CƠ HOÀNH TRONG SUỐT QUÁ TRÌNH THỞ

Một trong những chức năng chủ yếu của thành ngực và cơ hoành là để thay đổi thể tích lồng ngực và bằng cách đó di chuyển không khi vào và ra khỏi phổi.

Trong suốt quá trình thở, các chiều của lồng ngực thay đổi theo hướng dọc, ngang và trước sau. Sự nâng lên và hạ xuống của cơ hoành làm thay đổi đáng kể chiều dọc của lồng ngực. Sự hạ xuống của cơ hoành xuất hiện khi các sợi cơ của cơ hoành co lại. Sự nâng lên xảy ra khi cơ hoành giãn ra.

Sự thay đổi theo chiều trước sau và chiều ngang xuất phát từ sự nâng lên và hạ xuống của các xương sườn (Hình 3.55). Đầu sau của xương sườn khớp với cột sống, ngược lại đầu trước của hầu hết xương sườn khớp với xương ức hoặc các xương sườn lân cận.

Bởi vì đầu sườn trước nằm thấp hơn so với đầu sườn sau, nên khi các xương sườn nâng lên, chúng di chuyển xương ức lên trên và ra trước. Cũng lúc này, góc giữa thân và cán xương ức trở nên có thể trở nên tù hơn. Khi các xương sườn hạ xuống, xương ức di chuyển xuống dưới và ra sau. Vận động kiểu “cán tay cầm máy bơm nước” này làm thay đổi các chiều của lồng ngực theo hướng trước sau (Hình 3.35A).

Cũng như đầu trước của các xương sườn thấp hơn so với đầu sau thì phần giữa thân các xương sườn thấp hơn so với hai đầu sườn. Khi thân sườn nâng lên, phần giữa thân sườn di chuyển ra phía bên ngoài. Vận động kiểu “quai xô xách nước” này làm tăng chiều ngang lồng ngực (Hình 3.35B).

Bất cứ các cơ nào bám vào các xương sườn có thể giúp di chuyển một xương sườn một cách mạnh mẽ so với các xương sườn khác và vì thế đóng vai trò như các cơ hô hấp phụ. Các cơ ở vùng cổ và bụng có thể cố định hoặc thay đổi vị trí của các xương sườn trên và dưới.