
CÁC BẠN TẢI LINK SÁCH GIẢI PHẪU DÀNH CHO SINH VIÊN NỔI TIẾNG VÀ CÁC PHẦN MÌNH DỊCH Ỏ ĐÂY NHA: https://tailieuykhoamienphi.com/cac-tang-trong-o-bung/
THỰC QUẢN ĐOẠN BỤNG
Là một đoạn ngắn của thực quản nằm trong khoang bụng. Xuất phát từ trụ phải của cơ hoành (trụ là vị trí bám của cơ hoành vào cột sống), thường ở mức đốt sống ngực V, rồi đi qua khuyết thực quản đổ vào lỗ tâm vị nằm ngay cạnh đường giữa cơ thể về phía bên trái.
Liên quan với thực quản khi thực quản đi vào ổ bụng là các thân lang thang trước và sau:
– Thân lang thang trước bao gồm một vài thân nhỏ hơn mà các sợi của chúng do dây thần kinh lang thang trái tạo thành , sự xoay của ruột trong suốt quá trình phát triển đã làm cho thân này quay ra mặt trước của thực quản.
– Tương tự, thân lang thang sau chỉ là một thân đơn được tạo thành từ dây thang kinh lang thang phải , và sự xoay của ruột trong quá trình phát triển cũng làm cho thân này xoay ra sau.
Động mạch cấp máu cho thực quản đoạn bụng bao gồm:
– Nhánh thực quản đến từ động mạch vị trái (từ động mạch thân tạng)
– Nhánh thực quản đến từ động mạch hoành dưới trái (xuất phát từ động mạch chủ bụng).

DẠ DÀY
Dạ dày là phần phình to nhất của ống tiêu hóa và có hình chữ J. Nằm ở đoạn giữa thực quản và ruột non, dạ dày ở vùng thượng vị, vùng rốn và vùng hạ sườn trái so với thành bụng.
Dạ dày được chia thành 4 vùng:
– Vùng tâm vị là vùng quanh chỗ mở của thực quản vào bên trong dạ dày;
– Vùng đáy vị là phần phía trên của lỗ tâm vị
– Vùng thân vị là vùng lớn nhất của dạ dày
– Và cuối cùng là vùng môn vị được chia thành 2 phần là hang môn vị và ống môn vị, và đây là vùng tận cùng phía dưới của dạ dày
Phần xa nhất của vùng môn vị dạ dày là môn vị. Nó được xác định bởi một chỗ thắt tại môn vị và chúng chứa một vòng cơ dày, là cơ thắt môn vị tạo nên lỗ môn vị nằm ở tận cùng của dạ dày. Lỗ tâm vị nằm ngay bên phải cạnh đường kẻ chính giữa trên mặt phẳng nằm ngang đi qua bờ dưới đốt sống thắt lưng I (mặt phẳng qua môn vị)
Những phần khác của dạ dày bao gồm:
– Bờ cong lớn là vị trí bám của dây chằng vị-lách và mạc nối lớn
– Bờ cong nhỏ là vị trí bám của mạc nối nhỏ
– Khuyết tâm vị là góc tạo bởi thực quản và dạ dày khi thực quản vào dạ dày
– Góc khuyết là chỗ cong tạo góc trên mạc nối nhỏ
Động mạch cấp máu cho dạ dày bao gồm:
– Động mạch vị trái tách từ động mạch thân tạng
– Động mạch vị phải thường tách từ động mạch gan chung
– Động mạch vị-mạc nối phải tách từ động mạch vị-tá tráng
– Động mạch vị-mạc nối trái tách từ động mạch lách
– Và động mạch vị sau tách từ động mạch lách (không phải khi nào cũng xuất hiện).


RUỘT NON
Ruột non là phần ống tiêu hóa dài nhất, xuất phát từ lỗ môn vị của dạ dày đến nếp hồi manh tràng. Đây là một ống rỗng , dài khoảng 6-7m, có đường kính hẹp dần từ đầu đến cuối, bao gồm tá tràng, hỗng tràng và hồi tràng.
TÁ TRÀNG
Là phần đầu tiên của ruột non. Đây là một cấu trúc có hình chữ C, ngay bên cạnh đầu tụy, dài khoảng 20-25 cm và ở phía trên so với rốn; lòng tá tràng có đường kính lớn nhất trên toàn bộ ruột non. Nó nằm sau phúc mạc (trừ phần đầu của tá tràng), nó nối với gan bằng dây chằng gan-tá tràng là một phần của mạc nối nhỏ.
Tá tràng được chia thành 4 phần:
– Phần trên (phần đầu): xuất phát từ lỗ môn vị của dạ dày đến cổ túi mật, nằm ngay bên phải thân của đốt sống thắt lưng I, và đi về phía trước đến ống mật chủ, động mạch vị tá tràng, tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch chủ dưới. Trên lâm sàng, vị trí bắt đầu của phần này được gọi là bóng tá tràng hay mũ tá tràng, và hầu hết các loét vùng tá tràng xảy ra ở vị trí này.
– Phần xuống (phần thứ hai) nằm ngay bên phải đường giữa cơ thể và mở từ cổ túi mật đến bờ dưới của đốt sống thắt lưng III. Mặt trước của nó được cắt ngang qua bởi kết tràng ngang, phía sau của nó là thận phải và phía trong của nó là đầu tụy. Phần này của tá tràng chứa nhú tá lớn là chỗ đổ vào thông thường của ống mật chủ , ống tụy và nhú tá bé là chỗ đổ vào của ống tụy phụ. Vị trí nối giữa ruột trước và ruột giữa nằm ngay dưới nhú tá lớn.
– Phần dưới (phần thứ ba) là phần dài nhất , nó băng qua cột sống, động mạch chủ, và tĩnh mạch chủ dưới. Động mạch và tĩnh mạch mạc treo tràng trên thì băng qua phần này ở phía trước.
– Phần lên (phần thứ tư) di chuyển lên trên hay nói cách khác là từ bên trái của động mạch chủ đến gần bờ trên của đốt sống thắt lưng II và kết thúc ở góc tá hỗng tràng.
Góc tá hỗng tràng được bao quanh bởi một nếp phúc mạc có chứa các sợi cơ được gọi là các sợi cơ giữ (hay dây chằng) của tá tràng, và thường được gọi là dây chằng góc Treitz.
Động mạch cung cấp máu cho tá tràng bao gồm:
– Các nhánh từ động mach vị tá tràng
– Động mạch trên tá tràng xuất phát từ động mạch vị tá tràng
– Nhánh tá tràng từ động mạch tá tụy trước trên (xuất phát từ động mạch vị tá tràng)
– Nhánh tá tràng từ động mạch tá tụy sau trên (xuất phát từ động mạch vị tá tràng)
– Nhánh tá tràng từ động mạch tá tụy trước dưới (xuất phát từ động mạch tá tụy dưới-là một nhánh của động mạch mạc treo tràng trên)
– Nhánh tá tràng từ động mạch tá tụy sau dưới (xuất phát từ động mạch tá tụy dưới-là một nhánh của động mạch mạc treo tràng trên)
– Nhánh hồi tràng đầu tiên từ động mạch mạc treo tràng trên


