MỨC ĐỐT SỐNG TIV/V

Khi thăm khám bệnh nhân, người bác sĩ dùng mức đốt sống để xác định vị trí của các cấu trúc giải phẫu quan trọng bên trong các vùng của cơ thể.

Mặt phẳng cắt ngang đi qua đĩa gian đốt sống TIV và TV là một trong những mặt phẳng quan trọng nhất trong cơ thể (Hình 3.10) do:

– Đi qua góc ức phía trước, đánh dấu vị trí khớp của sụn sườn II với xương ức ở phía trước. Góc ức được sử dụng để tìm vị trí của xương sườn II như một mốc để đếm các xương sườn (do bị che lấp nên xương sườn I không sờ được);

– Phân chia trung thất trên và trung thất dưới và đánh dấu giới hạn trên của màng ngoài tim;

– Đánh dấu nơi cung động mạch chủ bắt đầu và kết thúc;

– Đi qua nơi tĩnh mạch chủ trên xuyên qua màng ngoài tim để vào tim;

– Là mức mà khí quản tách đôi thành phế quản chính trái và chính phải; và

– Đánh dấu giới hạn trên của thân động mạch phổi.

SHUNT TĨNH MẠCH TỪ TRÁI SANG PHẢI

Nhĩ phải là buồng tim nhận máu nghèo oxy trở về từ các vùng của cơ thể. Chúng nằm phía bên phải đường giữa và hai tĩnh mạch lớn, tĩnh mạch chủ trên và tĩnh mạch chủ dưới là các tĩnh mạch đổ về nhĩ phải cũng nằm phía bên phải đường giữa. Điều này có nghĩa là để đến phía bên phải cơ thể thì tất cả máu bên trái cơ thể phải đi qua đường giữa. Shunt trái phải này được thực hiện bởi một số tĩnh mạch quan trọng và trong một sô trường hợp là các tĩnh mạch rất lớn, một số trong này là ở vùng ngực (Hình 3.11).

Ở  người trưởng thành, tĩnh mạch cánh tay đầu băng qua đường giữa ngay sau cán xương ức và vận chuyển máu từ phía bên trái của đầu và cổ, phía bên trái của chi trên và một phần thành ngực trái về tĩnh mạch chủ trên.

Các tĩnh mạch đơn bé và tĩnh mạch đơn bé phụ dẫn máu vùng sau và vùng ngoài của ngực trái, đi ngay trước các thân đốt sống ngực và đổ vào tĩnh mạch đơn phía bên phải, cuối cùng đổ vào tĩnh mạch chủ trên.

CUNG CẤP MÁU VÀ CHI PHỐI THẦN KINH CHO CÁC VÙNG TẠI NGỰC

Sự sắp xếp của các mạch máu và thần kinh chi phối cho thành ngực theo tổ chức từng vùng ở ngực. Các động mạch thành bắt nguồn từ hai nguồn:

– Động mạch chủ ngực, nằm trong trung thất sau, và

– Một cặp mạch máu, các động mạch ngực trong, chạy dọc theo vùng sâu của thành ngực trước ở cả hai bên xương ức.

Các nhánh động mạch gian sườn trước và sau phẫn chia theo vùng từ những động mạch trên đi ra bên ngoài quanh thành ngực, chủ yếu dọc theo bờ dưới của mỗi xương sườn (Hình 3.12A). Đi cùng với những mạch máu này là các thần kinh gian sườn (nhánh trước của các thần kinh gai sống), chi phối cho thành ngực, liên quan đến màng phổi và vùng da liên quan. Vị trí của những dây thần kinh và mạch máu này tương ứng với các xương sườn phải được cân nhắc khi đi qua những cấu trúc này như các ống đi qua thành ngực.

Các đốt bì của vùng ngực thường theo sự chi phối của các thần kinh gai sống vùng ngực (Hình 3.12B). Ngoại lệ xảy ra đối với đốt bì ngực đầu tiên cả phía trước và phía sau, nằm chủ yếu ở chi trên và không ở thân.

Vùng trước trên của thân nhận các nhánh từ nhánh trước của C4 thông qua các nhánh của đám rối cổ.

Đốt bì cao nhất ở vùng thành ngực trước là T2, cũng mở vào chi trên. Ở đường giữa, da che phủ mỏm mũi kiếm được chi phối bởi T6.

Các đốt bì T7 đến T12 theo đường cong của xương sườn trên thành bụng trước (Hình 3.12C).

HỆ THỐNG GIAO CẢM

Tất cả các sợi trước hạch của hệ thống giao cảm đều đi ra từ tủy sống nhờ các dây thần kinh gai sống T1 đến L2 (Hình 3.13). Điều này có nghĩa là các sợi giao cảm tìm thấy ở bất cứ đâu trong cơ thể cuối cùng xuất phát từ tủy sống như một thành phần của những dây thần kinh gai sống. Các sợi trước hạch chi phối cho vùng đầu xuất phát từ tủy sống theo dây thần kinh gai sống T1.

THÀNH NGỰC DI ĐỘNG VÀ LỖ NGỰC DƯỚI

Thành ngực có thể được giãn nở do hầu hết các xương sườn khớp với những thành phần khác của lồng ngực bởi một khớp thực sự cho phép chuyển động được và nhờ hình dạng và định hướng của các xương sườn (Hình 3.14).

Khớp phía sau của xương sườn phía trên so với phía trước. Vì thế, khi một xương sườn nâng lên, chúng di chuyển thành ngực ra phía trước so với thành ngực sau, là thành cố định. Thêm vào đó, phần giữa của mỗi xương sườn nằm thấp hơn so với hai đầu của nó, vì thế khi vùng này của xương sườn đưa lên cao, chúng mở lồng ngực ra ngoài. Cuối cùng, do cơ hoành là một cơ, nên chúng thay đổi thể tích lồng ngực theo hướng dọc.

Sự thay đổi theo hướng trước, ngoài và dọc của lồng ngực rất quan trọng trong hít thở.

CHI PHỐI THẦN KINH CHO CƠ HOÀNH

Cơ hoành được chi phối bởi hai dây thần kinh hoành xuất phát như là một nhánh của đám rối cổ mỗi bên (Hình 3.15). Chúng xuất phát từ nhánh trước các dây thần kinh C3, C4 và C5, mà chủ yếu là C4.

Các dây thần kinh hoành đi dọc xuống qua cổ, lỗ ngực trên và trung thất để chi phối vận động cho toàn bộ cơ hoành, bao gồm các trụ (phần cơ bám vào các đốt sống thắt lưng trên. Ở trung thất, các dây thần kinh hoành đi ra phía trước đến gốc phổi).

Chấn thương cơ hoành phía dưới mức của gốc dây thần kinh hoành thì không ảnh hưởng đến vận động cơ hoành.